Thị trường vốn và bất động sản cần giải pháp hoàn thiện về khung pháp lý

(ĐTTCO) - Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường vốn và thị trường bất động sản (BĐS) có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau phát triển. Tuy nhiên, rủi ro của thị trường này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường còn lại.
Thị trường vốn và bất động sản cần giải pháp hoàn thiện về khung pháp lý

Đây là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, diễn ra trong sáng nay 5-6 tại TP.HCM.

Thị trường vốn và BĐS bổ trợ cho nhau phát triển

Theo thông tin được Bộ Tài chính chia sẻ tại Diễn đàn, trong giai đoạn 2016-2021, thị trường vốn đã có bước phát triển nhanh và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế; góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và đầu tư công, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) Nhà nước và đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Theo thống kê, quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm, giai đoạn 2016-2021. Đến cuối quý I-2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021 (gấp 3,5 lần quy mô năm 2015), trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu (CP), tương đương 93,8% GDP, quy mô thị trường trái phiếu (TP) đạt 40,7% GDP.

Trong khi đó, đóng góp của ngành xây dựng và BĐS vào GDP các năm gần đây ngày càng tăng và chiếm khoảng 11%. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2021 cả nước có 282.105 giao dịch BĐS thành công, trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640 giao dịch (giảm 3,3%).

Mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá BĐS, nhà ở, đất nền liên tục tăng trong năm 2021. Giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%, giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Việc tăng giá trên thị trường BĐS được cho là do yếu tố cung cầu, nguồn cung của thị trường chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, dẫn đến giá nhà tăng (nhu cầu nhà của người dân tăng trong bối cảnh đô thị hóa nhanh là xu thế chung của sự phát triển). Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giá nhà ở là do đầu cơ, tích trữ của một bộ phận nhà đầu tư (NĐT).

Thị trường vốn và bất động sản cần giải pháp hoàn thiện về khung pháp lý ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Diễn đàn.

Tiềm ẩn rủi ro

Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, thị trường có nhiều đợt điều chỉnh, trong đó nhóm CP của DN BĐS có sự điều chỉnh nhiều nhất. Nguyên nhân xuất phát phong trào phát hành TP của các DN BĐS tăng trưởng quá nóng về quy mô. Từ đó phát sinh nhiều rủi ro, bất cập. Vấn đề này cần được nhìn nhận, đánh giá sâu hơn để có giải pháp phát triển thị trường bền vững trong thời gian tới.

Tương tự, theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN, thị trường vốn là CK tăng trưởng quá nhanh cũng phát sinh các tiêu cực như: hiện tượng thao túng giá, giao dịch thị trường phái sinh ngày càng tinh vi, chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ chưa đồng đều, một số tổ chức kiểm toán hay thẩm định giá năng lực còn hạn chế.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, thị trường phát triển chưa sâu, dễ bị tác động bởi yếu tố trường BĐS thời gian qua và gần đây nhất là các vấn đề về giải phóng mặt và trường hợp đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm (TPHCM) đã cho thấy những hạn chế nhất định về: quy hoạch sử dụng đất, định giá đất; thuế, tín dụng thu tiền sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; các thủ tục hành chính về đất đai cũng như các quy định pháp lý về kinh doanh BĐS.

Thời gian qua, thông qua tín dụng ngân hàng và thị trường vốn, các DN BĐS đã huy động được một lượng vốn lớn, hỗ trợ đắc lực và hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển các dự án. Tuy nhiên, việc huy động vốn của DN BĐS thông qua phát hành TPDN cũng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn, thị trường BĐS nói riêng.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát hành TPDN lãi suất cao nhưng lại thiếu thông tin, kém minh bạch, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của DN BĐS. Đơn cử là hiệu quả sử dụng vốn thấp và thị trường BĐS không thuận lợi cũng khiến dòng tiền trả nợ TPDN đến hạn của DN khó khăn.

Thị trường vốn và bất động sản cần giải pháp hoàn thiện về khung pháp lý ảnh 2 Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tham gia diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hoàn thiện khung pháp lý

Từ thực trạng trên, các đại biểu nhất trí cho rằng, cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường BĐS lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý (Luật CK, Luật DN, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản hướng dẫn...) đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường.

Theo ông Sơn, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường CK theo hướng tăng cường tính minh bạch, phát triển ổn định và bền vững. Trước mắt, UBCKNN đang tích cực chỉ đạo và phối hợp với các Sở Giao dịch CK, Trung tâm Lưu ký CK trong việc xây dựng và đưa vào hoạt động sàn giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ, đẩy mạnh công tác giám sát việc sử dụng vốn và thực hiện công bố thông tin theo quy định.

“UBCKNN cũng sẽ nghiên cứu báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật CK, bao gồm phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm NĐT CK chuyên nghiệp và quy định về xử lý trên TTCK”, ông Sơn chia sẻ.

Phải tự chủ nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang có nhiều chuyển biến
Thị trường vốn và bất động sản cần giải pháp hoàn thiện về khung pháp lý ảnh 3 Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế TW.
Phát biểu tại hội thảo chuyên đề: "Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng", ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế TW, cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển khó lường và khó dự báo, sự cạnh tranh giữa các nước lớn cùng với tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tác động của các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại đã làm cho vấn đề tự cường trong phát triển được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo ông Hiển, với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, những thách thức từ môi trường kinh tế quốc tế có thể có thể ảnh hưởng nhanh, mạnh và khó lường tới việc thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030.
“Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trong đó, độc lập, tự chủ của nền kinh tế cần được xây dựng trên cơ sở cân bằng và củng cố nội lực, đồng thời phát huy, tận dụng được những cơ hội từ bên ngoài mang tới”, ông Hiển khẳng định.

Việt Nam là một câu chuyện thành công
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là sự kiện thường niên được Ban Kinh tế TW chủ trì tổ chức từ năm 2017 với mục đích là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế, định hướng phát triển đất nước dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại hội thảo chuyên đề: "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19", ông Ingrid Christensen, Giám đốc quốc gia Văn phòng ILO tại Việt Nam, đánh giá cao công tác phòng chống Covid-19 của Việt Nam. “Đây là một thành công mà chúng tôi rất ấn tưởng với sự lãnh đạo Việt Nam vì những nỗ lực không ngừng để bảo vệ người dân trong suốt cuộc khủng hoảng y tế. Chính nhờ những nỗ lực đó mà tất cả chúng ta có thể gặp nhau an toàn vào sáng nay", ông Ingrid Christensen cho biết.
Theo ông Ingrid Christensen, Việt Nam là một câu chuyện thành công trong thế giới đầy thay đổi và bất ổn ngày nay. Sự phát triển vượt bậc đã qua của Việt Nam tạo niềm tin rằng các mục tiêu cho năm 2030 và 2045 của Việt Nam là đầy tham vọng nhưng có thể đạt được.
“Để biến tham vọng này thành hiện thực, Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh tốc độ nâng cấp xã hội, cùng với nâng cấp kinh tế. Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển cho thấy nhiều bằng chứng về vai trò chính của việc nâng cấp xã hội trong việc chuyển lên nhóm quốc gia thu nhập trung bình cao và cuối cùng là quốc gia có thu nhập cao”, ông Ingrid Christensen chia sẻ.

Các tin khác