Thích ứng hoạt động xuất nhập khẩu - Doanh nghiệp tìm kênh chuyển hướng thị trường

(ĐTTCO) - Ngày 20-4, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Giải pháp thích ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng Nga - Ukraine”. 

Tại đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp đã trao đổi cặn kẽ một số vấn đề liên quan đến rủi ro giao thương, phương thức thanh toán… cho các đối tác tại 2 thị trường trên. 

Chuyển hướng thị trường

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 2-2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga đạt hơn 180 triệu USD, giảm 44,46% so với tháng 1; với Ukraine, xuất khẩu của Việt Nam sang nước này đạt gần 13 triệu USD, giảm 60,3% so với tháng trước đó. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không chịu tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, nhưng hệ lụy gián tiếp mà xung đột giữa 2 quốc gia này mang lại rất lớn, ảnh hưởng đến “sức khỏe” của hàng loạt hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…

Thích ứng hoạt động xuất nhập khẩu - Doanh nghiệp tìm kênh chuyển hướng thị trường ảnh 1Nhân viên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Duy Anh (huyện Củ Chi, TPHCM) 
chuẩn bị các đơn hàng xuất khẩu sang Nga

Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sinh Group thừa nhận, Nga là thị trường rộng lớn và mỗi năm doanh nghiệp này xuất khẩu hơn 3 triệu USD, gồm các mặt hàng cà phê, hạt tiêu, điều... Tuy vậy, Phúc Sinh Group đang phải tạm ngưng xuất khẩu sang Nga do vướng xung đột Nga - Ukraine. 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ ra rằng, tác động “dây chuyền” do xung đột bao gồm sự gián đoạn, chậm trễ trong thanh toán; vận chuyển khó khăn do cước vận tải cao; không thể ký các hợp đồng mới; chuỗi cung ứng thủy sản bị đứt gãy; làm tăng chi phí đầu vào đối với hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản… “Vận chuyển bế tắc, đối tác đề nghị chuyển sang cảng khác như Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó họ tìm cách đưa về Nga nhưng rất rủi ro”, ông Trương Đình Hòe nói. 

Để giảm bớt rủi ro, ông Trương Đình Hòe đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp: Với các đơn hàng đã giao, cần tiến hành những biện pháp thanh toán nhanh thông qua các kênh từ ngân hàng nước ngoài, ngân hàng tư nhân...; với đơn hàng đang trên đường giao hoặc có kế hoạch giao, nên kéo hàng về, hoãn hoặc hủy đơn hàng; các đơn hàng vẫn được giao theo yêu cầu khách hàng, nên thống nhất lại khâu thanh toán, thay đổi cảng và khách hàng chịu chi phí phát sinh; đồng thời tăng cường cập nhật thông tin từ các đối tác Nga, Ukraine để kịp thời giải quyết phát sinh. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lưu ý giải pháp cho những tác động gián tiếp, như tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra tại các quốc gia châu Âu; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường trước đây tiêu thụ gián tiếp nhiều thủy sản của Nga; vận dụng lợi thế của hiệp định trong Liên minh kinh tế Á - Âu cũng như các hiệp định khác để tăng xuất khẩu vào các thị trường lân cận…

Cẩn trọng tìm kênh thanh toán mới

Ở Việt Nam, các giao dịch thanh toán quốc tế được xử lý chủ yếu qua kênh chuyển tiền SWIFT và Western Union (WU). Khi sử dụng kênh chuyển tiền SWIFT, khách hàng sẽ phải tới các chi nhánh ngân hàng mà mình chọn để yêu cầu chuyển tiền đi nước ngoài. Các ngân hàng sẽ thực hiện giao dịch chuyển tiền thông qua mã SWIFT Code.

Western Union là dịch vụ chuyển tiền nhanh đi quốc tế, có trụ sở tại Mỹ, đang hoạt động ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thông tin Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT cũng như bị nhiều quốc gia thực hiện lệnh cấm vận để trừng phạt khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, mà điển hình là doanh nghiệp phải tìm kiếm hàng loạt kênh thanh toán thay thế như tiền kỹ thuật số, kênh UnionPay (Trung Quốc)…

Theo TS Lê Hoàng Anh, công tác tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chọn thanh toán qua hệ thống thanh toán trung gian ở Trung Quốc, từ đó họ thanh toán cho đối tác tại Nga. Ngoài ra, doanh nghiệp chọn kênh khác đó là thanh toán qua kiều hối. Vấn đề quan trọng nhất với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là thanh toán phải an toàn.

Tuy vậy, bàn về tính an toàn của các kênh thanh toán mới này, PGS-TS Võ Trí Hảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định kiêm Trọng tài viên VIAC, cho biết, thông thường trong các hợp đồng xuất nhập khẩu, ngoài thông tin bên A, bên B, số địa chỉ liên lạc, sẽ kèm thêm số tài khoản ngân hàng, mã số SWIFT và các thông tin này được hai bên đồng ý. Trong trường hợp hai bên muốn thay đổi thì phải ký phụ lục văn bản, chứ không phải đơn phương thay đổi, thỏa thuận miệng, nhắn email hoặc gọi điện thoại là xong. “Không nên chuyển khoản vào một kênh mới khi chưa xác nhận bằng văn bản hoặc các biện pháp an toàn khác, vì rất có thể đó là tài khoản kẻ lừa đảo tạo ra. Thực tế, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam bị lừa bằng thủ đoạn này, với số tiền mất lên tới hàng tỷ đồng”, PGS-TS Võ Trí Hảo khuyến cáo.  

Bên cạnh đó, PGS-TS Võ Trí Hảo cũng cảnh báo, pháp luật Việt Nam quy định về thanh toán ngoại hối rất chặt chẽ. “Việc chuyển kênh thanh toán mới nên thận trọng, vì không khéo sẽ vi phạm quy định thanh toán ngoại hối, rơi vào vòng giám sát nghi ngờ rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Các quốc gia khác khi bị đóng SWIFT, họ có thể chọn thanh toán bằng tiền kỹ thuật số, nhưng ở Việt Nam, việc thanh toán này không được chấp nhận. Song song đó, một số kênh thanh toán từ các nước khác cũng nên cân nhắc, vì không loại trừ khả năng người sử dụng sẽ bị giám sát, kiểm soát, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và chính trị”, PGS-TS Võ Trí Hảo nhấn mạnh.

Các tin khác