Thiếu bóng dáng 'đại bàng', FDI chưa thể lạc quan

(ĐTTCO) - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang là “điểm sáng” của kinh tế Việt Nam khi dòng vốn đầu tư này trên thế giới đang có xu hướng suy giảm do những yếu tố bất định địa chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn đại biểu hơn 50 DN lớn của Mỹ sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn đại biểu hơn 50 DN lớn của Mỹ sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2023.

Vốn FDI đăng ký tăng

Trong quý I, Việt Nam thu hút được 6,17 tỷ USD vốn FDI, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút vốn với 3,93 tỷ USD, kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 1,58 tỷ USD, còn lại là những lĩnh vực khác. Như vậy quý I năm nay đã tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng liên tục về vốn FDI vào Việt Nam.

Trước đó, báo cáo thường niên về thu hút vốn FDI vào Việt Nam năm 2023, do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố cũng cho thấy, năm 2023 Việt Nam dường như đã có một cú “ngược dòng” ngoạn mục về thu hút FDI khi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, trong bối cảnh nhiều quốc gia và khu vực đang chứng kiến sự sụt giảm về dòng vốn FDI.

Theo đó, sau khi giảm 12% vào năm 2022, năm 2023 FDI toàn cầu chỉ tăng nhẹ ở mức 3%, đạt mức 1.370 tỷ USD; dòng vốn FDI của Mỹ có sự chuyển dịch đáng kể, giảm hoạt động tại Trung Quốc. Trong khi đó tại Việt Nam, năm 2023 vốn FDI đăng ký đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.

Trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm 2023, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn FDI đăng ký; Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 6,6 tỷ USD, chiếm 17,9%. Đáng chú ý, Hồng Kông vươn lên vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD; Trung Quốc đứng thứ tư với tổng vốn đăng ký gần 4,5 tỷ USD.

Các khu công nghiệp - khu kinh tế tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong năm 2023 đã thu hút được 27,7 tỷ USD vốn FDI; số dự án đầu tư mới, vốn đầu tư điều chỉnh và vốn FDI thực hiện đều tăng so với năm trước.

Nhưng vẫn vắng bóng các “đại bàng”

Theo số liệu của TCTK, 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong quý I vừa qua, Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,55 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư, tăng 51,3% so với cùng kỳ 2023.

Đáng chú ý, trong nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay, có đến 8/10 quốc gia và vùng lãnh thổ đều ở châu Á, chỉ có 2 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại đến từ châu Âu là Hà Lan và British Virgin Islands (thuộc Anh).

Như vậy có thể thấy, về cơ cấu nhà đầu tư trong bức tranh FDI quý I-2024 không có sự thay đổi đáng kể, nhà đầu tư FDI đến từ Mỹ và các nước EU vẫn “heo hắt”, và đây là nhóm đối tượng nhà đầu tư Việt Nam hướng đến, muốn thu hút với chiến lược “lót ổ đón đại bàng”.

Lý giải về điều bất thường này, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch VAFIE, có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, những diễn biến căng thẳng của tình hình địa chính trị thế giới và suy thoái kinh tế tác động, khiến quy mô vốn FDI toàn cầu bị thu hẹp.

Không chỉ các nước đang phát triển, những nước phát triển cũng có nhu cầu thu hút vốn từ những tập đoàn lớn, nên có xu hướng khuyến khích, thúc đẩy đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay trở về nước. Đơn cử, Mỹ đã giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư; hay EU thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài, tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến FDI từ các quốc gia này đến Việt Nam.

Thứ hai, lĩnh vực các nhà đầu tư Mỹ và EU quan tâm chủ yếu là năng lượng tái tạo và công nghệ cao, đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam còn đang trong quá trình hoàn thiện khung cơ sở pháp lý. Do đó, các nhà đầu tư Mỹ và EU cũng vẫn chờ đợi, bởi họ muốn có khung pháp lý được đảm bảo hơn.

Thực tế trong những năm gần đây, Việt Nam đã đề ra chiến lược bài bản nhằm sàng lọc và thu hút những FDI có chất lượng, điều này còn được thể hiện bằng quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất (mục tiêu được đưa ra trong Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030).

Bởi lẽ, doanh nghiệp FDI đến từ Mỹ và châu Âu với thế mạnh phát triển ngành công nghiệp cao, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, tạo cú hích cho phát triển bền vững tại các ngành công nghiệp thế mạnh của Việt Nam như dệt may, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo.

Những dòng vốn đầu tư từ Mỹ và châu Âu không chỉ góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả của vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, mà còn đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, xây dựng kinh tế số, thúc đẩy cách mạng 4.0 cũng như cam kết của Việt Nam trong thực hiện phát thải ròng bằng 0.

Những con số thống kê về thu hút FDI qua báo cáo từng quý, từng năm của Việt Nam đều ghi nhận sự tăng trưởng, đây là tín hiệu tốt, nhưng chưa thể xem đó là kết quả đáng lạc quan. Bởi trong bức tranh cơ cấu nhà đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn vắng bóng các “đại bàng”.

Do vậy theo ông Nguyễn Văn Toàn, Việt Nam cần làm lúc này là phải tiếp tục cải cách môi trường thể chế theo hướng minh bạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng chất nguồn nhân lực, vì doanh nghiệp Mỹ và EU đến Việt Nam hầu như không mang theo nhân lực như một số quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tính đến giải pháp sửa đổi ưu đãi thích ứng với định hướng thu hút FDI chất lượng cao, bởi kinh nghiệm thu hút FDI từ Ấn Độ cho thấy, cần có chiến lược cụ thể và có thể xem xét ưu đãi cho từng đối tác, nhất là các nhà đầu tư có thế mạnh về công nghệ cao hay các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam.

Năm 2023 và trước đó, đã từng có nhiều đoàn doanh nghiệp Mỹ tầm cỡ “đại bàng” sang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam, làm dấy lên những hy vọng về những “dự án tỷ đô” sẽ sớm có mặt tại Việt Nam. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng đại bàng này.

Các tin khác