Thiếu cơ chế đặc biệt, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải phát triển chưa xứng tầm

(ĐTTCO)- Để đạt được mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải cần sớm được đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics...
Khu vực Cái Mép - Thị Vải là cửa ngõ trung chuyển hàng hoá đi Mỹ và châu Âu.
Khu vực Cái Mép - Thị Vải là cửa ngõ trung chuyển hàng hoá đi Mỹ và châu Âu.

Dù được quy hoạch với vai trò, vị thế quan trọng cũng như mức tăng trưởng tốt, song khu vực Cái Mép – Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chưa có cơ chế đặc biệt để phát triển  nhằm đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, khách hàng. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế, Bà Rịa – Vũng Tàu cần đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics...

Phát triển chưa xứng tầm

Theo các chuyên gia cảng biển, hiện cơ sở hạ tầng phục vụ cảng biển của khu vực Cái Mép - Thị Vải chưa được đầu tư chưa đồng bộ, mạng lưới kết nối cảng phát triển chậm, tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, hạ tầng logistics cũng phát triển chậm, chi phí khá cao; việc phát triển công nghiệp chưa toàn diện, chưa có bến cảng quy mô lớn, dài, đủ sức tiếp nhận nhiều tàu mẹ cùng lúc; thiếu các bến sà lan, bến thủy nội địa…

Đại diện Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết, khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định là cửa ngõ của hàng hoá đi quốc tế, có thể tiếp nhận thế hệ tàu lớn nhất thế giới với trọng tải đến 250.000 tấn. Hiện, cụm cảng còn dư địa để phát triển logistics rất tốt là Cái Mép Hạ.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Portcoast, đến năm 2030 lượng hàng hoá về Cái Mép sẽ đứng đầu khu vực phía Nam, do đó việc đầu tư mạnh mẽ cho khu vực này không chỉ phát triển cho Bà Rịa – Vũng Tàu mà cho cả vùng trọng điểm phía Nam trong tương lai.

“Cảng Cái Mép - Thị Vải là khu vực rất thuận lợi, có thể tiếp nhận được các tàu lớn không cần trung chuyển qua Singapore hay Hong Kong, từ cảng có thể đi trực tiếp đi châu Âu hay Mỹ. Phát triển mạnh cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ tốt cho toàn vùng để tiếp nhận tàu đi biển xa và thực hiện trung chuyển quốc tế. DN giảm được chi phí vận tải sẽ nâng cao tính cạnh tranh hàng hoá của Việt Nam”, ông Phạm Anh Tuấn nêu lợi thế.        

Còn ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cho rằng, đến thời điểm này khó có cảng container nào đạt được như Cái Mép - Thị Vải. Hàng hoá từ đây chỉ 16 ngày có thể đến Bờ Tây nước Mỹ và 21 ngày sẽ đến châu Âu. Cách đây 10 năm, thời gian vận chuyển như vậy là ước mơ của nhiều khách hàng nên đây là thế mạnh của Cái Mép và trong quy hoạch cũng đã thể hiện.

“Nếu chúng ta xác định Cái Mép là cảng cửa ngõ, cảng chính, cảng nước sâu thì phải đảm bảo tàu lớn có thể vào được. Đây là cảng cửa ngõ hàng năm đã trung chuyển hàng trăm ngàn tấn hàng và chỉ phù hợp cho hàng xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu”, ông Kỳ đánh giá.

Đẩy mạnh hạ tầng kết nối

Theo Quyết định 1579/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Cái Mép – Thị Vải đã được phê duyệt là 1 trong 2 cảng đặc biệt (cùng với Cảng Hải Phòng) trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Với việc trở thành nhóm cảng biển đặc biệt, các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải sẽ được ưu tiên đầu tư, gồm đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn (18.000 TEU); đáp ứng thông quan lượng hàng hóa từ 1.140-1.423 triệu tấn; trong đó hàng container từ 38-47 triệu TEU. 

Bộ GTVT cũng xác định, Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng được kỳ vọng rất lớn với cơ hội rộng mở khi hàng loạt dự án đường cao tốc được xem xét triển khai như Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3, 4 TP.HCM, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành qua Bình Dương và Bình Phước, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Những dự án giao thông kết nối chính là lực đẩy để Cái Mép-Thị Vải phát huy tiềm năng, thế mạnh để trở thành cảng trung chuyển quốc tế.

thieu co che dac biet, cum cang cai mep-thi vai phat trien chua xung tam hinh anh 2
Đường 991B hoàn thiện sẽ kết nối khu vực Cái Mép với các tuyến cao tốc.

Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để phát huy được lợi thế cụm cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, Chính phủ đã có chủ trương đầu tư cho tỉnh triển khai cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu. Dự án cầu Phước An kết nối 2 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai đưa vào vận hành đấu nối vào tuyến đường liên cảng và nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ tạo thành tuyến giao thông thông suốt, khai thác hiệu quả nhu cầu vận chuyển hàng hoá tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Theo ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh đã kiến nghị Bộ GTVT sớm nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu đoạn từ huyện Trảng Bom đến Cái Mép-Thị Vải.

“Cần đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải với tuyến đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu mới có thể giải quyết được bài toán Logistics. Trong quy hoạch giai đoạn đầu sẽ là tuyến vận tải hàng hoá từ Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đến Cái Mép – Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, ông Chí cho hay.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cảng biển nước sâu thứ 2 của cả nước cùng với Hải Phòng, được đánh giá có mức tăng trưởng hàng hoá cao hàng đầu khu vực kỳ vọng trở thành cửa ngõ giao thương phía Nam. Do vậy, Cái Mép – Thị Vải cần có cơ chế đặc biệt để phát triển và đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư và khách hàng.

Các tin khác