Tại TPHCM số công nhân trở lại trong các nhà máy chiếm tỷ lệ khá cao, trên dưới 85%, nhưng cũng có nhà máy chỉ được 70%. Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX, KCN) TPHCM (Hepza), cho biết còn thiếu khoảng 5.700 người cho quý II.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong quý IV-2021, TP cần 43.000-57.000 lao động.
Tình hình thiếu hụt nhân công ở Hà Nội có vẻ trầm trọng hơn, nhiều KCN và nhà máy chỉ có hơn 60% công nhân, dù đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhưng số công nhân được tuyển mới không bao nhiêu, thậm chí phải điều cán bộ quản lý và nhân viên văn phòng xuống làm việc ở các phân xưởng.
Tuy nhiên, công nhân công nghiệp ở các nhà máy quay lại làm việc vẫn có tỷ lệ cao hơn so với người lao động trong lĩnh vực dịch vụ do nhiều loại dịch vụ, thương mại không trở lại hoạt động bình thường được, nhất là lĩnh vực giải trí, làm đẹp, du lịch. Trước tình hình này, nhiều nhà quản lý đã đưa ra những dự báo rất ảm đạm, song theo nhiều chuyên gia tình hình không hẳn như vậy, cần hiểu đó là “trong cái rủi có cái may”.
Điều đầu tiên, có khá lớn số lượng người lao động nhập cư trở về nông thôn rồi không quay lại nữa. Đó được coi là tín hiệu tích cực trong bối cảnh “làng rỗng”, “bản vắng”. Lâu nay, nhiều xã, bản, ấp chỉ có trẻ em và người già, còn người trẻ khỏe đổ về TP, nay họ trở về làm nông thôn có sinh khí.
Điều này đặc biệt quan trọng ở các xã huyện ở sát biên giới, bởi nếu không có lực lượng tại chỗ rất khó khăn khi phát triển kinh tế vùng biên và bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Mấy năm nay, các vùng biên giới Tây Bắc, Đông Bắc nhộn nhịp hơn, nhưng họ là khách du lịch không phải người tại chỗ. Họ đến rồi đi, còn “4 tại chỗ” (con người, tài chính, vật tư kỹ thuật, văn hóa) cứ rỗng nhiều chục năm nay.
Một số lượng lao động ở lại không về TP lớn vì các tỉnh đã bắt đầu xuất hiện những KCN, nhà máy. Các tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng và các tỉnh miền Trung đã tiến hành xúc tiến đầu tư và đã có các nhà đầu tư nước ngoài chọn các tỉnh xa này làm bến đỗ.
Tuy quy mô chưa lớn, thu nhập của công nhân thấp hơn so với thời gian làm ở TPHCM, Hà Nội, nhưng do mặt bằng giá thấp hơn nên cũng đủ sống. Ngoài ra, lực lượng lao động này sau thời gian làm việc ở các TP lớn có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, các mối quan hệ và đầu óc mở mang, nên xúc tiến các hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên đặc điểm của địa phương, nhất là các loại nghề truyền thống và nông nghiệp địa phương.
Khi lực lượng lao động phổ thông giảm, là cơ hội cho các TP lớn hoạch định lại chiến lược phát triển công nghiệp trong bối cảnh mới. Rõ ràng là TPHCM rất muốn tái cấu trúc lại hệ thống công nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại dựa trên thành tựu của công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa.
Mới đây, Hepza đã trình UBND TPHCM đề án mới định hướng phát triển các KCX-KCN truyền thống theo hướng thành KCN sinh thái, khu công nghệ cao, giảm dần doanh nghiệp thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu.
Có 4 KCN được đề xuất thí điểm chuyển đổi gồm Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái và Hiệp Phước. Hepza cũng đề xuất xây dựng 2 KCN mới ở huyện Bình Chánh là Lê Minh Xuân 2 (gần 320ha) và Phạm Văn Hai (gần 670ha), để phát triển công nghiệp sạch, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao.
Trên cơ sở của đề án này, UBND TPHCM cũng yêu cầu bổ sung nội dung về hướng chuyển đổi cho các KCN hiện hữu, là các nhà máy, cơ sở sản xuất phải dần từ bỏ cách thức sản xuất truyền thống (sở hữu mặt bằng rộng, thâm dụng công nhân, sử dụng công nghệ kỹ thuật lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, rác thải và phế liệu gây ô nhiễm) chuyển đổi sang doanh nghiệp công nghệ mới.
Cùng với đó Hepza nghiên cứu di dời hoặc chấm dứt với doanh nghiệp hết thời gian thuê nhưng không muốn hay không có khả năng chuyển đổi mô hình theo tiêu chí xanh-sinh thái-hiện đại.