Tại tọa đàm “Phát triển ngành chăn nuôi: Từ góc nhìn chống dịch tả lợn châu Phi” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến ngày 25/11, số xã có dịch là 8.533 xã, 166 huyện của 63 tỉnh, thành.
Phát hiện có dịch trở lại
Theo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng lợn chết và tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con. Đến nay, có khoảng 4.823 xã đã qua 30 ngày hết dịch mà không tái dịch, chiếm 56%. Kiểm soát dịch tốt nhưng vấn đề chưa dừng lại, còn tiếp tục diễn biến phức tạp dù với cường độ thấp hơn. Trong tháng 11 có 146 xã phát hiện có dịch trở lại với 134.000 con chết và tiêu hủy.
Theo đánh giá, đây là thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay cho người chăn nuôi lợn và ngân sách Nhà nước. Có nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống phòng chống dịch của Việt Nam “vỡ trận” bởi dịch tả châu Phi được dự báo trước cả năm ở Trung Quốc, nhưng vẫn xâm nhập và lan rộng ra 63 tỉnh của cả nước.
Không đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: “Nhận định Việt Nam “vỡ trận” là không đúng vì dịch bệnh này nguy hiểm và không dễ kiểm soát. Từ Bộ trưởng, Thứ trưởng tới chúng tôi đều nghĩ mọi cách để thông tin kịp thời cho người dân, doanh nghiệp (DN), động viên có, kích động cũng có. Tôi tạm thấy hài lòng về sự cố gắng của chúng ta”.
Ông Nguyễn Xuân Dương phân tích thêm, xung quanh Việt Nam, các quốc gia như Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc… dù có ngành chăn nuôi phát triển cũng đã xảy ra dịch bệnh. Đơn cử như Trung Quốc thiệt hại tới 60 triệu con lợn, chiếm 50% tổng đàn lợn vì dịch tả. Hiện nay, giá lợn hơi tại Trung Quốc lên tới 150.000 đồng/kg.
Kinh nghiệm là tái đàn nên kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh. Nếu cho tái đàn ồ ạt gây tái phát dịch thì còn nguy hiểm hơn, các tỉnh thành lập trạm kiểm dịch quá nhiều, thực sự không cần thiết, nhiều lắm thì theo vùng, quan trọng nhất là phải kiểm soát tại gốc ngay từ cơ sở cung cấp giống.
Giá lợn có chiều hướng dịu xuống
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu về thịt lợn khoảng hơn 600.000 tấn, với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay thì tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn. Giá thịt lợn thời điểm này đã tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá thịt lợn tăng vọt lên 140.000 - 180.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá thịt lợn tại siêu thị Aeon Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh có loại đã lên đến 280.000 đồng/kg, trong khi thịt bò được niêm yết chỉ 260.000 đồng/kg. Giá thịt lợn sẽ biến động như thế nào từ giờ tới Tết Nguyên đán nhận được nhiều quan tâm.
Trước thông tin này, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phân tích, tình hình nguồn cung thời gian qua với thịt lợn rất rõ. Ngành nông nghiệp đã báo cáo Thủ tướng trên cơ sở đánh giá tổng đàn cung khẳng định là thiếu. Do nguồn cung thiếu đã tác động tới giá đến tay người tiêu dùng. Góc độ thị trường phải nhìn nhận với hàng gì cũng vậy, nơi nào nguồn cung thiếu thì giá cao, có nơi sẽ tăng cục bộ. Vừa qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác, chỉ đạo Sở Công Thương bám sát DN sản xuất chế biến, khu giết mổ, kiểm tra kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh đưa ra sản phẩm chất lượng, đồng thời đảm bảo hài hòa về giá cả.
“Chúng tôi đã trao đổi với một số địa phương có nguồn cung lớn như: Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Hưng Yên, Bình Dương; các khu chợ đầu mối, điểm giết mổ lớn tại địa bàn này và các tỉnh lân cận. Hiện tại, lợn hơi đang ở mức ổn định không tăng. Công ty CP báo giá 69.000 đồng/kg, chi phí vận chuyển lên đến 70.000 - 73.000 đồng/kg. Giá bán ra ngoài thị trường cũng phải cân nhắc. Miếng thịt ngon chất lượng tốt, sản xuất hữu cơ thì giá lên. Tôi đã trực tiếp đi chợ, nắm tình hình tại chợ Phùng Khoang (Hà Nội) nhưng chưa thấy có mức giá cao như thông tin báo chí vừa đưa”, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm.
Ông Nguyễn Xuân Dương thông tin, mới đây, Bộ NN&PTNT đã mời 13 DN chăn nuôi đang chiếm thị phần lớn nhất và đại diện 8 tỉnh chăn nuôi trọng điểm của cả nước họp để thống nhất, đánh giá tình hình. Theo khảo sát đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thời điểm tháng 10, giá lợn hơi vẫn ở mức 41.000 - 43.000 đồng/kg, nhưng chỉ 2 tuần đầu tháng 11 giá lợn tiếp tục tăng cao, có nơi lên đến 75.000 đồng/kg. Để góp phần bình ổn thị trường và tạo ra ngành chăn nuôi bền vững, các DN giữ giá xung quanh trục 60.000 - 65.000 đồng/kg. Do đó giá lợn hiện tại đã dịu lại.