Thời gian qua, nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế khiến người bệnh phải tự bỏ tiền túi để mua các mặt hàng thuốc từ bên ngoài hoặc bị đình trệ điều trị do không thể thực hiện được các kỹ thuật cần thiết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh và đời sống của người bệnh. Nếu cứ để tình trạng này tái diễn và ngày càng nặng thêm, hệ thống y tế sẽ tê liệt. Đối tượng gánh chịu hậu quả chính là người bệnh. Làm sao để tháo gỡ những khó khăn trong công tác đầu thầu hiện nay? TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã trao đổi cùng PV về nội dung này.
PV: Thưa TS Nguyễn Huy Quang, hiện nay, tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao đang diễn ra tại hầu khắp các bệnh viện trong cả nước và người thiệt hại nhất là bệnh nhân. Vậy ông có đánh giá, nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
TS Nguyễn Huy Quang: Giá tham gia mời thầu phải thấp hơn giá trúng thầu 12 tháng trước đây, quy định này khó thực hiện được vì thuốc tính 12 tháng bao gồm lạm phát, khía cạnh liên quan chuỗi cung ứng, liên quan logictic, vận chuyển, bảo quản, rất khó đưa ra giá hợp lý.
Mặt khác, nếu đưa ra giá như vậy thì không có doanh nghiệp nào có đủ loại thuốc giá như vậy, nên mời thầu không ai đấu thầu.
Vấn đề tiếp theo dự thảo kế hoạch đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao, cũng có lúc có thể dự trù, nhưng lý do khách quan như dịch bệnh dẫn tới thuốc bị thừa. Khi dịch đã hết, nhu cầu khám chữa bệnh tăng dẫn đến thiếu thuốc.
Một yếu tố khác liên quan đến phòng chống dịch nên toàn bộ thầy thuốc, người lao động đều phòng chống dịch, làm sao nhãng vấn đề đấu thầu thuốc, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá các sản phẩm thuốc và nguyên liệu thuốc tăng.
Vấn đề nữa tôi cho là nguyên nhân là nhiều vụ việc khởi tố, truy tố xét xử tại tòa, gây hậu quả nghiêm trọng, tâm lý lo ngại rằng nếu tham gia đấu thầu trong khi quy định pháp luật đấu thầu chưa rõ, thì có bị sao không. Có trường hợp nói rằng, thà bị kỷ luật còn hơn truy tố trước pháp luật. Đây là tâm lý e ngại chung khó tránh khỏi.
Từ tâm lý như vậy, những người có kinh nghiệm thầu, hiểu biết về đấu thầu, có hiểu biết về thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao thì chuyển sang công việc khác, an toàn hơn, dẫn tới thiếu hụt đội ngũ đấu thầu. Theo tôi đây là những khó khăn liên quan đến đình trệ đấu thầu thời gian vừa qua.
PV: Rõ ràng chúng ta có những điều luật, quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, vật tư y tế, tuy nhiên, cái vướng nhất theo ông hiện nay là gì khiến các cơ sở y tế không tổ chức được đấu thầu?
TS Nguyễn Huy Quang: Vướng đầu tiên là quy định về giá thuốc mời thầu phải bằng thấp hơn giá 12 tháng trước đó trúng thầu trên thực tế rất khó có doanh nghiệp có thuốc, vật tư tiêu hao có giá như vậy, đây là điểm chốt cần lưu ý, trong đấu thầu về các dịch vụ hàng hóa thông thường, nếu rẻ hơn rất tốt, nhưng đối với thuốc chữa bệnh, vật tư tiêu hao, mà cứ rẻ hơn năm ngoái thì của rẻ là của ôi, cứ lấy thuốc, vật tư giá thấp như vậy không đảm bảo, ảnh hưởng chất lượng khám bệnh chữa bệnh.
Ngoài ra đặc thù liên quan thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị còn phụ thuộc tính năng kỹ thuật, cấu hình, đối với thuốc có thể chia 5 nhóm tham gia đấu thầu, còn vật tư tiêu hao, máy móc trang thiết bị chưa thể chia nhóm được, chưa tính hãng sản xuất khác nhau, uy tín của các hãng khác nhau, giá cả khác nhau, từ đó làm cản trở việc thực hiện quy định đấu thầu
PV: Để người bệnh và bệnh viện sớm có thuốc, vật tư trang thiết bị y tế, theo ông, cần có những cơ chế pháp luật nào để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay?
TS Nguyễn Huy Quang: Chúng ta cần phải có đánh giá tổng thể thực trạng công tác đấu thầu trong đó có sự phân biệt khác nhau giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao, đấu thầu trang thiết bị y tế thì phải có đánh giá tổng thể, tìm ra thực trạng đúng, vướng ở đâu về thể chế, quá trình tổ chức thực thi, nguyên nhân khách quan, chủ quan nào.
Nếu quy định vướng ở luật thuộc thẩm quyền Quốc hội thì trình thẩm quyền Quốc hội ra Nghị quyết để giải quyết, vướng Chính phủ thì trình Chính phủ giải quyết.
Nếu vướng ở liên tịch giữa Bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch đầu tư thì phải cùng nhau giải quyết. Nếu vướng văn bản luật thuộc thẩm quyền Bộ Y tế thì Bộ Y tế phải đứng ra giải quyết. Có như vậy mới từng bước tháo gỡ được khó khăn để công tác đấu thầu mới lập lại trật tự bình thường để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về thuốc, vật tư y tế, cũng như thụ hưởng các trang thiết bị y tế cung cấp dịch vụ ngày càng cao cho nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông!