Xếp hàng chờ thoái vốn
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2108 sẽ có 3 đại gia IPO, gồm Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power). Theo kế hoạch, cả 3 doanh nghiệp này sẽ IPO trong năm 2017 nhưng vì nhiều lý do đã không thể đúng hẹn.
Đây là những phiên IPO được giới đầu tư cực kỳ quan tâm, bởi quy mô rất lớn và ít nhiều tác động đến diễn biến của TTCK như từng xảy ra với Vinamilk và Sabeco trong năm nay.
Cụ thể, tại thời điểm xác định giá trị để cổ phần hóa của BSR là 72.879 tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD), trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 44.934 tỷ đồng. Tương tự, giá trị thực tế của PV Power 60.623 tỷ đồng (tương đương 2,67 tỷ USD), trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước 33.556 tỷ đồng. Còn PV Oil, giá trị doanh nghiệp được xác định ở mức 10.342 tỷ đồng (tương đương 460 triệu USD), trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước chiếm 35,1%.
Kế hoạch thoái vốn nhà nước trong năm 2018 sẽ không làm dồn dập như năm 2017, mà làm dần dần, ổn định. Đối với trường hợp của Sabeco, nếu thời điểm thích hợp sẽ bán hết 36% cổ phần còn lại, sau đó sẽ tiếp tục chào bán cổ phần tại Habeco. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) |
Nhiều thương vụ tiếp tục lỗi hẹn
Trong các thương vụ IPO kể trên, chưa ai dám chắc về khả năng thành công bởi nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan. Đơn cử là trường hợp ACV. Việc đàm phán với đối tác đến từ Pháp chưa thể hoàn tất do chưa chốt được mức giá.
Trong khi Aéroports de Paris muốn mua giá thấp, ACV lại không thể hạ giá khi mức giá hiện tại đã gấp gần 3,5 lần mức chào sàn hồi tháng 11-2016. Trong khi đó, kế hoạch thoái vốn nhà nước tại CC1 hay Vinatex lại gặp khó về thanh khoản, khi giá trị giao dịch của các doanh nghiệp này trên TTCK đang ở mức rất thấp.
Nhiều NĐT đang sẵn sàng vốn chờ đợi BSR thoái vốn nhà nước.
Phía ngược lại, không ít doanh nghiệp có thanh khoản tốt trên TTCK vẫn chịu cảnh trễ hẹn, dù trước đó Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khẳng định mọi chuẩn bị đã hoàn tất. Đơn cử là các trường hợp của 4 doanh nghiệp gồm CTCP Tập đoàn FPT (FPT), CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP Nhựa Thiếu niên tiền phong (NTP) và CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC).
Tại buổi roadshow tổ chức vào ngày 17-11, đại diện SCIC cho biết sẽ thực hiện thoái vốn tại 4 doanh nghiệp này trong khoảng thời gian từ ngày 8-12 đến ngày 13-12. Theo công bố, SCIC sẽ chào bán 33,1 triệu cổ phần (tương đương 37,1% vốn) tại NTP, 12 triệu cổ phần (tương đương 34,7% vốn) tại DMC, 24,1 triệu cổ phần (tương đương 29,5% vốn) tại BMP và 31,6 triệu cổ phần (tương đương 6% vốn) tại FPT. Ước tính, quy mô của đợt thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp này đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.
Dù SCIC không giải thích lý do dẫn đến sự lỡ hẹn này, nhưng theo nhận định của giới đầu tư thì đây là quyết định đúng đắn bởi nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, với trường hợp FPT, doanh nghiệp này đang có kế hoạch đưa CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) lên sàn trước tháng 4-2018. Đây có thể xem là công ty con làm ăn hiệu quả nhất của FPT với EPS 12 tháng gần nhất đạt 6.428 đồng/cổ phần, EPS 2017 dự kiến đạt 7.267 đồng/cổ phần và EPS 2018 đạt 9.914 đồng/cổ phần.
Việc FPT Retail niêm yết sẽ là thông tin tích cực cho CP FPT, khi đó việc thoái vốn của SCIC sẽ cực kỳ thuận lợi.
Đối với 3 doanh nghiệp còn lại, theo đánh giá của giới phân tích, giá CP đang niêm yết dù ghi nhận được chuỗi tăng sau thông tin SCIC sẽ thoái vốn, nhưng nếu so với thị trường chung mức tăng này vẫn còn thấp. Do vậy, dự báo nhóm CP này sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2018 là rất lớn, bởi đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành và kinh doanh hiệu quả.
Theo quy định thoái vốn nhà nước, giá khởi điểm của cổ phần đưa ra đấu giá ít nhất phải bằng giá thị trường (giá sàn của phiên giao dịch liền kề trước phiên đấu giá) nhằm đảm bảo không thất thoát vốn. Nếu giá thị trường tăng lên, nhà nước sẽ hưởng lợi, điều này phần nào lý giải cho quyết định lùi thời điểm đấu giá của SCIC.
Hàng tốt không lo ế
Một đại gia có vốn hóa lớn nhất trên TTCK hiện tại là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cũng có tên trong danh sách thoái vốn nhà nước trong năm 2018. Theo kế hoạch, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ thoái vốn giảm tỷ lệ sở hữu tại PV Gas từ 95,8% xuống còn 65% trong 2 năm 2018-2019.
Tại hội nghị tổng kết kết quả kinh doanh năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018, lãnh đạo PV Gas cho biết kế hoạch giảm sở hữu của PVN đang được xây dựng. Với giá đóng cửa 87.000 đồng/CP ngày 15-12, tỷ lệ giảm vốn của PVN có giá trị khoảng 51.000 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD).
Kế hoạch thoái vốn nhà nước tại PV Gas dù có giá trị rất lớn nhưng khả năng thành công được đánh giá khá cao, bởi việc xác định giá tùy thuộc vào diễn biến của giá CP trên TTCK, không ấn định mức giá cụ thể như trường hợp của Sabeco. Bên cạnh đó, các yếu tố nội tại của PV Gas được giới đầu tư đánh giá cao, là một trong những tổng công ty lớn nhất thuộc PVN với 13% doanh thu và 44% lợi nhuận đóng góp cho tập đoàn này trong năm 2017.
Lợi thế của PV Gas là doanh nghiệp đang giữ vị thế chi phối lớn trong lĩnh vực phân phối khí tại Việt Nam, là doanh nghiệp duy nhất thực hiện hoạt động ở trung nguồn thu gom khí từ các chủ mỏ, chế biến, lưu trữ và phân phối khí đến các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ. Ở phân phối hạ nguồn, các công ty con của PV Gas đều là những doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong phân phối khí và LPG.
Tương tự BSR, kế hoạch thoái vốn tại BSR và PV Oil dù diễn ra sát nhau về mặt thời gian nhưng khả năng thành công cũng rất lớn, bởi 2 doanh nghiệp này có mối quan hệ tương đối khăng khít. Chẳng hạn, trong tiêu chí chọn NĐT chiến lược của PV Oil, muốn được trở thành cổ đông chiến lược NĐT phải cam kết tiếp tục tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn.
Ngược lại, PV Oil sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt từ BSR. Như vậy, NĐTNN muốn tham gia thị trường xăng dầu không thể không tính đến kế hoạch sở hữu cổ phần tại 1 trong 2 doanh nghiệp này.