Nhu cầu giao dịch hàng hóa qua các hình thức mới đang có sự tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt, dịch Covid-19 xuất hiện, khuyến cáo của ngành chức năng “hạn chế tới nơi đông người” đã làm cho quá trình này nhanh hơn bao giờ hết.
Không phải vào app, chỉ cần “a lô”
Sau Tết Nguyên đán 2020 cũng là thời điểm dịch Covid-19 lan rộng, khiến người dân hạn chế tối đa việc tụ tập hoặc đến mua sắm ở những nơi đông người. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các mặt hàng thiết yếu hàng ngày không giảm, thậm chí nhiều gia đình còn tăng thực đơn, thêm các khẩu phần dinh dưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe để phòng ngừa dịch bệnh.
Trước tình hình này, nhiều hệ thống siêu thị đã chuyển hướng kinh doanh kịp thời bằng hình thức bán hàng qua điện thoại và liên kết chặt chẽ với các công ty dịch vụ vận chuyển để đưa hàng miễn phí đến tay người tiêu dùng.
Với việc bán hàng qua điện thoại, khách hàng chỉ cần nhấc máy gọi là có hàng ngay nên đã đánh trúng tâm lý số đông người nội trợ - chưa có nhiều kinh nghiệm khi mua hàng online từ các sàn giao dịch vì phải vào app và phải trải qua nhiều công đoạn mới có thể mua được hàng. Chính điều này đã góp phần cải thiện sức mua trong bối cảnh người tiêu dùng ngại đến siêu thị.
Thông tin từ tổng đài Saigon Co.op cho thấy, số lượng giao dịch qua điện thoại tăng 4 - 5 lần so với thời gian trước tết. Ông Lê Trung Nhã, Giám đốc Co.opmart Văn Thánh, cho biết thêm, bán hàng qua điện thoại đã tăng 20%, đã góp phần ổn định doanh số tại siêu thị trong mùa dịch bệnh.
Website thương mại điện tử của Saigon Co.op cũng ghi nhận lượt truy cập tăng gấp 10 lần, trong đó lượng đơn hàng tăng 4 - 5 lần so với thời gian trước. Các cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op như Co.op Smile, Cheers… cũng có lượng đơn hàng tăng cao.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết các mặt hàng được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, mì ăn liền, dầu ăn, nước tinh khiết; nhóm hóa phẩm; nhóm đồ dùng gia đình… Riêng các mặt hàng cho chị em phụ nữ ngày 8-3 cũng được lựa chọn rất nhiều như hộp quà được thiết kế sẵn, hóa mỹ phẩm... Saigon Co.op đã áp dụng nhiều giải pháp đảm bảo lượng hàng phục vụ người dân tại các siêu thị dồi dào về số lượng và chủng loại, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, giá cả ổn định.
Tương tự, để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, hệ thống siêu thị Big C đang tăng cường hình thức bán hàng qua điện thoại, người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm mất sự tươi ngon.
Đại diện Tập đoàn Central Retail cho hay, việc bán hàng qua điện thoại mới chỉ triển khai từ đầu tháng 2-2020, đến nay đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Doanh thu từ cách bán hàng này tăng hơn 10% so với trước.
Xu hướng tích cực
Cùng với các siêu thị, tại hầu hết hệ thống nhà hàng, quán cà phê, trà sữa… cũng đang đẩy mạnh bán hàng online thông qua điện thoại, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, website, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng rồi sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách.
Theo đó, mức chiết khấu được đưa ra rất hấp dẫn, như hệ thống nhà hàng hải sản Hải Châu giao tận nơi và giảm giá trực tiếp 25% đối với hải sản tươi sống, giảm 20% đối với hải sản chế biến. Nhà hàng này còn cam kết giao hàng trong 30 phút với khu vực bán kính 3km nhằm đảm bảo đồ ăn vẫn nóng và tươi ngon.
Anh Phạm Minh T., nhân viên giao hàng của Grab, cho biết thời gian gần đây, số lượng đơn hàng đặt giao tăng vọt với đa dạng các loại hàng hóa, từ thực phẩm tươi sống đến trà sữa, bánh trái, đồ ăn, lúc nào cũng chạy không hết việc, nhờ vậy mà thu nhập cũng tăng lên đáng kể.
Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, thì hình thức bán hàng qua các sàn thương mại điện tử cũng đang tăng khá mạnh. Theo Công ty Thương mại điện tử Viettel Post, trong thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2-2020, lượng đơn hàng khách đặt mua qua sàn Vỏ Sò tăng gần 50% so với tháng 12-2019. Trong đó, tăng mạnh nhất là các mặt hàng thiết yếu - vốn trước đây ít được người tiêu dùng mua trực tuyến.
Bên cạnh đó, các sản phẩm như trái cây, đặc sản vùng miền cũng đang được khách hàng đặt mua với số lượng lớn. Tương tự với GoViet, lượng đơn đặt hàng tại thời điểm này cũng đã tăng bình quân khoảng 50% so với trước đây.
Còn đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tới nhóm dịch vụ chuyển phát trong nước. Trong tháng 2 tháng đầu năm, do nhiều công ty thay đổi sang làm việc từ xa, nên nhu cầu vận chuyển giấy tờ xử lý văn bản nội bộ doanh nghiệp ngày càng tăng. Lượng hồ sơ, giấy tờ tài liệu của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân gửi qua Bưu điện Việt Nam trong tháng 1-2020 tăng khoảng 10%.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các siêu thị, trung tâm thương mại đã chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 3 lần, bảo đảm nguồn cung hàng hóa đầy đủ.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng làm việc với các doanh nghiệp hậu cần, thương mại điện tử, đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng từ hệ thống siêu thị tới người dân. Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế tập trung nơi đông người mà Trung Quốc đang áp dụng tốt và ngành bán lẻ Việt Nam nên học tập.
Trên thực tế, thương mại điện tử và giao hàng nhanh đang có nhiều cơ hội để phát triển, có khả năng sẽ tạo ra bước ngoặt mới ngay trong đợt dịch Covid-19. Nếu nắm bắt tốt cơ hội, giao hàng đúng hẹn, tạo được niềm tin cho khách hàng, thì các hình thức kinh doanh mới có thể làm thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực bán lẻ. “Trong nguy có cơ, trong rủi có may” là vậy! |