Thời trang bình dân Uniqlo đổ bộ vào Việt Nam

(ĐTTCO) - Những ngày này thông tin về hãng thời trang Uniqlo của Nhật Bản sắp đổ bộ vào thị trường Việt Nam, đang thu hút được sự quan tâm của phần đông người tiêu dùng.
Thời trang bình dân Uniqlo đổ bộ vào Việt Nam
 Đây cũng là một hãng thời trang mà người Việt khá ưa chuộng, rất nhiều shop online đã ăn nên làm ra nhờ bán hàng xách tay Uniqlo từ Nhật về. Cũng vì thế, một viễn cảnh giống như ngày khai trương của Zara hay H&M cũng bắt đầu được vẽ ra cho Uniqlo. 
Không phải ngẫu nhiên mà ông lớn thời trang này quyết định vào thị trường Việt Nam. Một nghiên cứu gần đây đã  đưa ra những điểm hấp dẫn: tỷ lệ dân số trong độ tuổi 20-30 của Việt Nam khá cao, chiếm khoảng 25% - con số mơ ước của các hãng thời trang nhanh; người Việt Nam vẫn có tâm lý sính ngoại; theo tính toán của các hãng thời trang nhanh, tốc độ tăng trưởng của ngành này tại Việt Nam luôn ở mức cao khoảng 20%. Kết quả kinh doanh khả quan của H&M hay Zara tại Việt Nam đang là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Theo báo tài chính 6 tháng (giai đoạn 1-12-2017 đến 31-5-2018) của H&M, thị trường Việt Nam đem về cho hãng thời trang Thụy Điển doanh thu 127 triệu SEK, tương đương hơn 325 tỷ đồng. Riêng với Zara tuy không còn giữ sức nóng như ngày đầu có mặt, nhưng thương hiệu này vẫn thu hút được khá đông người tiêu dùng đến mua sắm. 
Thực tế việc có mặt Zara, H&M hay sắp tới là Uniqlo sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí nếu đi nước ngoài mua sắm, hoặc giải cơn khát khi phải thông qua kênh xách tay. Song ngược lại, thêm một thương hiệu ngoại là thêm áp lực cho DN nội. Lâu nay thời trang nội cũng có rất nhiều thương hiệu nhưng chưa có thương hiệu nào tạo được sức bật thực sự trong mắt người tiêu dùng.
Trong khi xu hướng thời trang thế giới liên tục thay đổi không chỉ về thiết kế, chất liệu, mà cả trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng thì thời trang trong nước vẫn chuyển mình chậm rãi hơn. Có rất nhiều lý do được các hãng thời trang trong nước đưa ra để lý giải cho điều này. Song người tiêu dùng vốn ít thông cảm, sự chậm chuyển mình sẽ dần đẩy người tiêu dùng đến gần hơn với các thương hiệu lớn đang ngày một hiện diện nhiều hơn. 
Tất nhiên ở một góc lạc quan, cũng có ý kiến cho rằng sự có mặt của các thương hiệu thời trang bình dân thế giới chính là lời cảnh tỉnh cho các DN nội cần tỉnh táo, nhận thức lại xu hướng thời trang. Các thương hiệu ngoại chính là động lực cho DN trong nước chuyển mình. Nếu chuyển mình tốt, thời trang Việt có thể đi xa hơn, ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cạnh tranh có thể dẫn tới triệt tiêu nhưng cũng có thể là động lực mạnh mẽ cho những bứt phá. 

Các tin khác