Thông điệp giảm lãi suất cần rõ ràng

Tại cuộc họp với nhóm “G14” cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 6 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, ĐTTC đã trao đổi với PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN (ảnh), ĐBQH TPHCM, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, về vấn đề này.

Tại cuộc họp với nhóm “G14” cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 6 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, ĐTTC đã trao đổi với PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN (ảnh), ĐBQH TPHCM, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trần lãi suất vừa được điều chỉnh giảm trong tháng 5, vậy có nên tiếp tục giảm thêm ngay trong tháng 6?

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN: - Giảm lãi suất không nên vội vàng, nhưng theo tôi với tình hình hiện nay có thể điều chỉnh giảm lãi suất vào cuối tháng 6. Nếu cơ quan điều hành đưa ra thông điệp chắc chắn, bản thân các NHTM sẽ tự điều chỉnh giảm trước. Còn nếu chưa có thông điệp mà chờ xem xét diễn biến CPI sẽ rất nguy hiểm.

- Có thông tin cho biết NHNN sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động xuống 9%/năm trong khi trần lãi suất tiền vay có thể được ấn định ở mức 12-13%/năm, nhưng chỉ áp dụng với kỳ hạn dưới 1 năm, còn trung và dài hạn cho phép ngân hàng tự thỏa thuận với khách hàng. Ông bình luận gì về vấn đề này?

- Như tôi đã nói, vấn đề quan trọng là thông điệp đó phải được phát đi một cách chính thức để củng cố niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Tôi nghĩ xu hướng giảm lãi suất là ổn định nên không quá lo ngại trong việc phát đi thông điệp.

Mục tiêu của Chính phủ là đưa lạm phát đến năm 2015 chỉ ở mức 5-7%, điều đó có nghĩa lãi suất huy động duy trì ở mức khoảng 8-9%/năm là hợp lý. Quan trọng là phải có thông điệp khẳng định điều hành lãi suất theo tiêu chí gì.

Theo tôi không nên điều chỉnh lãi suất theo chỉ số CPI hàng tháng, mà nên điều chỉnh theo lạm phát mục tiêu, hay theo lạm phát lỗi. Bởi lẽ CPI có thể đảo chiều, khi đó lại điều chỉnh tăng lãi suất sẽ gây khó cho nhà đầu tư. Họ sẽ không mạnh dạn đầu tư nếu điều hành theo cách đó.

Một trong những lý do hiện nay khiến nền kinh tế suy giảm do những người có vốn giữ thế thủ, không dám đầu tư vì chưa biết được chính sách lãi suất có nhất quán hay không.

Năm nay suy giảm kinh tế chúng ta giảm lãi suất, đến năm sau lạm phát trở lại chúng ta lại tăng lãi suất lên. Giải quyết bài toán này cần phải có một thông điệp hết sức chắc chắn và bền vững là lãi suất sẽ được điều hành theo lạm phát mục tiêu, lạm phát cơ bản chứ không tính theo CPI.

- Qua 5 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức âm, theo ông việc giảm lãi suất có giúp cải thiện vấn đề này?

- Việc giảm lãi suất ý nghĩa rất rộng chứ không chỉ nhằm làm tăng dư nợ. Theo tôi giảm lãi suất có 4 ý nghĩa lớn. Thứ nhất, giúp cho doanh nghiệp có dự án đầu tư tính tỷ suất lợi nhuận ở mức khoảng 13-14%. Từ đó khi lãi suất giảm doanh nghiệp thấy dự án này triển khai được lúc đó mới triển khai.

Thứ hai, tái cấu trúc thị trường tài chính để doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK). Điều mong muốn lâu nay chúng ta làm sao cho vốn hóa TTCK tăng lên để doanh nghiệp bớt lệ thuộc vào ngân hàng, doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu và trái phiếu.

Lãi suất huy động vốn của ngân hàng khoảng 8-9%/năm, những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận khoảng 13% có thể huy động được vốn qua kênh phát hành trái phiếu và cổ phiếu. Nếu để lãi suất huy động cao, những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận 13-14% rất khó huy động được vốn.

Thứ ba, giảm lãi suất sẽ thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy cổ phần hóa. Doanh nghiệp sẽ bán được cổ phiếu, những người có tiền sẽ không lựa chọn kênh tiết kiệm nữa bởi lãi suất thấp, mà quyết định qua kênh mua cổ phiếu.

Thứ tư, giảm lãi suất cũng giúp việc phát hành trái phiếu chính phủ để triển khai các dự án đầu tư công dễ dàng hơn với mức lãi suất thấp hơn. Nếu năm nay dự kiến phát hành trên 100.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ với lãi suất giảm xuống còn 10%/năm, ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được 1.000-2.000 tỷ đồng. Số tiền này được đầu tư để xây dựng 100 trường mẫu giáo, tức chính sách kích cầu có hiệu quả tốt.

- Nhiều người lo ngại để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ nới lỏng các điều kiện cho vay?

- Tôi phản đối quan điểm để tăng dư nợ mà nới lỏng điều kiện cho vay, bởi như vậy sẽ đưa nền kinh tế tới chỗ nguy kịch. Chậm xử lý nợ xấu là tác nhân nghiêm trọng dẫn tới tình hình suy giảm kinh tế hiện nay.

Trước đây nợ xấu không nhiều, giờ đã trở thành “khối u” lớn di căn lên nền kinh tế. Theo tính toán, hiện nợ xấu đang chiếm khoảng 5-6% GDP. Tôi được biết Chính phủ dự kiến sẽ hình thành một tổ công tác liên bộ để giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác