Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia để hoàn chỉnh phương án thiết kế.
Về kết nối giao thông, lối đi bộ dọc theo sông Sài Gòn từ nhà ga Ba Son đến cầu Khánh Hội làm kết cấu hình chiếc lá nhỏ có mái che để kết nối với cầu đi bộ nhằm thu hút người dân tiếp cận sát bờ sông. Cầu vượt đi bộ qua đường hoặc đèn giao thông được chuẩn bị để kết nối công viên hiện tại với phía đối diện của đường Tôn Đức Thắng (đường Nguyễn Huệ).
Xây dựng bãi đậu xe máy mới tại vị trí ga tàu cao tốc hiện hữu và phía Khu đô thị mới Thủ Thiêm để người dân dễ dàng tiếp cận cầu đi bộ. Cầu có 7 điểm chụp ảnh có thể thấy được tổng quan hình dáng cầu (nhìn ngang tầm mắt dọc sông Sài Gòn, hai bên đầu cầu, từ quán cà phê dưới chân cầu, từ cầu thang lớn dẫn lên cầu, nhìn trên không từ phía quận 1 và từ phía Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Trên cầu có thể tổ chức các sự kiện đặc biệt, lễ hội âm nhạc, nghệ thuật công cộng, yoga... và các hoạt động ban đêm như rạp chiếu bóng ngoài trời, màn hình chiếu sáng vào ban đêm, trình chiếu nhạc nước và chiếu sáng 3D…
Về dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, Thường trực UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, hoàn thiện thêm phương án thiết kế kiến trúc công trình trước khi trình lại Thường trực UBND TP xem xét.
Đặc biệt, công trình cầu Thủ Thiêm 4 kết nối giữa quận 7, khu vực phía Nam thành phố với quận 2, khu vực phía Đông thành phố, trong tương lai là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố - Thành phố Thủ Đức, vì vậy phương án thiết kế cần có kiểu dáng kiến trúc hiện đại, mỹ thuật cao, hướng đến việc xây dựng hình ảnh cầu Thủ Thiêm 4 là biểu tượng của tri thức, khoa học và hiện đại với tinh thần năng động, sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố.