Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) của Tổng cục Hải quan do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại trị giá gần 2,7 tỷ yen sẽ được triển khai chính thức từ ngày 1-4.
Nhân dịp này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, hệ thống VNACCS/VCIS được ứng dụng sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh: - Hệ thống hỗ trợ Hải quan Việt Nam cũng như các cơ quan Chính phủ khác có liên quan triển khai Cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo cam kết của Chính phủ Việt Nam trong khu vực, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư tại Việt Nam và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lỹ nhà nước về hải quan…
Với mức độ tự động hóa, tính ổn định cao, VNACCS/VCIS khi đưa vào ứng dụng sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính điện tử như có thể khai báo mọi lúc, mọi nơi (với điều kiện kết nối được Internet), hạn chế giấy tờ, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu… giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm được chi phí hành chính vừa tiết kiệm thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Sau hơn ba tháng vận hành thử nghiệm hệ thống (từ 15/11/2013) số lượng doanh nghiệp cam kết tham gia VNACCS/VCIS trong cả nước là hơn 18.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10.000 doanh nghiệp thực hiện khai thử nghiệm.
- Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, phiên bản E-Customs 4.0 đang áp dụng có nhiều tiện ích và phù hợp với doanh nghiệp. Vậy, vì sao Tổng cục Hải quan không tiếp tục thực hiện phần mềm này mà chuyển sang thực hiện VNACCS/VCIS?
- Từ năm 2005 cho đến nay, phiên bản 4.0 đang áp dụng đúng là có nhiều tiện ích và tương đối phù hợp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hơn nữa, đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính công trong lĩnh vực hải quan hơn nữa thì cần có hệ thống công nghệ thông tin mạnh, ổn định, an toàn hơn đáp ứng không chỉ yêu cầu xử lý dữ liệu nội tại trong ngành Hải quan mà còn đáp ứng yêu cầu xử lý dữ liệu trong môi trường một cửa quốc gia và một cửa ASEAN thì phiên bản 4.0 đang áp dụng chưa đáp ứng được.
Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính một mặt tiếp tục hoàn thiện chương trình công nghệ thông tin đang áp dụng, mặt khác nghiên cứu để xây dựng một hệ thống mạnh hơn và đặc biệt đã được kiểm nghiệm trong thực tế hoạt động của hải quan các nước. Tổng cục Hải quan nhận thấy hệ thống NACCS/CIS mà Hải quan Nhật Bản đang áp dụng là hệ thống đáp ứng được về cơ bản các yêu cầu của Hải quan Việt Nam.
- Thưa ông, để tham gia Hệ thống VNACCS/VCIS doanh nghiệp cần phải có những điều kiện như thế nào?
- Để tham gia, trước hết doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đăng ký người sử dụng trên Hệ thống VNACCS/VCIS, đăng ký chữ ký số của doanh nghiệp sẽ sử dụng khi khai báo hải quan trên hệ thống này. Cài đặt phần mềm đầu cuối để phục vụ khai báo trên Hệ thống VNACCS/VCIS. Phần mềm đầu cuối được Tổng cục hải quan cung cấp miễn phí, doanh nghiệp có thể tải về tại website của Tổng cục Hải quan. Trường hợp cần có chữ ký số phục vụ khai hải quan, doanh nghiệp có thể mua phần mềm đầu cuối của các công ty tin học.
Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi sang hệ thống VNACCS/VCIS, về cơ bản các thủ tục khai báo và thông quan không có nhiều thay đổi, ngoài việc các thông tin khai sẽ yêu cầu phải chính xác hơn, mức độ tổng hợp cao hơn. Nhưng đổi lại hệ thống sẽ xử lý nhanh hơn, chính xác hơn, tao thuận lợi cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
- Nhiều doanh nghiệp có thắc mắc, từ ngày 1/4, doanh nghiệp có bắt buộc phải mở tờ khai điện tử trên Hệ thống VNACCS/VCIS hay vẫn có thể tiếp tục khai trên phần mềm thông quan điện tử như hiện nay, thưa ông?
- Từ 1/4, Thông tư 22/2014/TT-BTC (quy định thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống VNACCS) có hiệu lực. Để thực hiện Thông tư này, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai theo kế hoạch cho các chi cục Hải quan trên toàn quốc. Đối với những chi cục đã được triển khai VNACCS thì khi doanh nghiệp mở tờ khai điện tử tại chi cục đó phải sử dụng hệ thống VNACCS để thực hiện. Tại những chi cục chưa triển khai hệ thống VNACCS thì vẫn áp dụng thủ tục hải quan điện tử như hiện hành.
Do đó, nếu doanh nghiệp chưa tham gia thực hiện Hệ thống VNACCS từ ngày 1/4 thì có thể khai báo hải quan tại các chi cục vẫn còn thực hiện Hệ thống E-customs, hoặc thực hiện thủ tục thông quan thủ công. Tuy nhiên, giai đoạn quá độ cũng chỉ kéo dài đến hết tháng 6/2014. Vì vậy, khuyến khích doanh nghiệp sớm tham gia Hệ thống VNACCS/VCIS.
- Hệ thống VNACCS/VICS đặt ra hiện có quá nhiều tiêu chí buộc doanh nghiệp phải khai báo so với hệ thống E-customs đang áp dụng. Vậy yêu cầu này có tạo thuận lợi gì cho doanh nghiệp so với hệ thống cũ hay không thưa ông?
- Trên thực tế, số lượng các tiêu chí được quản lý trên Hệ thống VNACCS và Hệ thống E-customs hiện hành không có sự khác biệt lớn, cả về số lượng cũng như chỉ tiêu khai báo bởi vì cả hai hệ thống đều tuân thủ theo các chuẩn mực của mô hình dữ liệu của Tổ chức Hải quan thế giới.
Hệ thống VNACCS là một hệ thống tích hợp phục vụ cho việc tự động hóa thông quan đối với đa dạng các loại hình hoạt động xuất nhập khẩu và kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước khác. Nhiều tiêu chí khai báo được tích hợp với các hệ thống khác nên trên thực tế, doanh nghiệp không phải khai báo hết.
Ví dụ, liên quan tới tiêu chí người nhập khẩu, hệ thống có trên 20 chỉ tiêu để quản lý nhưng trên thực tế doanh nghiệp chỉ phải khai báo mã số người nhập khẩu. Ngoài ra, đối với từng trường hợp xuất nhập khẩu cụ thể, doanh nghiệp không phải khai báo các chỉ tiêu không liên quan đến trường hợp của mình.
Với việc khai báo đầy đủ các tiêu chí, thì Hệ thống có thể tự động hóa được một số các khâu xử lý hải quan, qua đó giúp giảm thời gian thông quan. Do đó, có thể nói rằng việc yêu cầu khai báo các tiêu chí trên Hệ thống VNACCS là hài hòa giữa yêu cầu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và quản lý của cơ quan Hải quan.
Xin trân trọng cảm ơn ông.