Thu hút FDI: Cần một hệ thống tiêu chí

(ĐTTCO)-Trao đổi về định hướng thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG khẳng định, chỉ có bằng một hệ thống tiêu chí khoa học, chặt chẽ và minh bạch, Việt Nam mới có thể thu hút đầu tư có chọn lọc, đi vào chiều sâu và có tính lan tỏa cao.

(ĐTTCO)-Trao đổi về định hướng thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG khẳng định, chỉ có bằng một hệ thống tiêu chí khoa học, chặt chẽ và minh bạch, Việt Nam mới có thể thu hút đầu tư có chọn lọc, đi vào chiều sâu và có tính lan tỏa cao.

- Phóng viên: Bộ trưởng nhận xét thế nào về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong năm qua và một số dự báo quan trọng cho năm 2017?

- Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Một tín hiệu tích cực trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 là vốn giải ngân đạt kết quả khả quan. Tính đến ngày 20-11-2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Vốn đăng ký tuy có giảm nhẹ nhưng số lượt dự án cấp mới là 2.240 và lượt dự án tăng vốn là 1.075 lượt, tăng mạnh so với cùng kỳ (20,8% và 55,3%).

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tuy tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng, chiếm trên 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng khoảng 8,6% so với cùng kỳ (11 tháng) năm 2015. Khu vực đầu tư nước ngoài đang có mức xuất siêu trên 21 tỷ USD, bao gồm cả dầu thô.

Cơ cấu đầu tư cũng có sự chuyển biến tích cực, phần lớn các dự án FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với 907 dự án đầu tư đăng ký mới và 766 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm trên 13 tỷ USD, chiếm khoảng 74% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng.

Năm 2017, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động và sự cạnh tranh trong thu hút FDI đang diễn ra ngày càng gay gắt, chúng ta đã thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đưa ra nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư và quyết liệt trong khâu thực thi... Tôi cho rằng, dòng vốn FDI đăng ký dự kiến sẽ tăng trong năm 2017 và các năm tới.

 

- Những năm gần đây, một số ý kiến lo ngại rằng nền kinh tế Việt Nam đã trở nên quá phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng có cho rằng lo ngại này có cơ sở?

- Khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang có những đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những đóng góp đó thể hiện qua những con số rất cụ thể như: tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm khoảng 25% trong vài năm gần đây; đóng góp trên 20% vào GDP; nộp ngân sách chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách; xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam…

Việc khu vực FDI có đóng góp ngày càng lớn cho đất nước là tín hiệu tốt. Tôi cho rằng không có cơ sở để quan ngại về việc nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực FDI vì khu vực này cũng là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam. Điều quan trọng là doanh nghiệp đó có chất lượng, có tiềm lực, có công nghệ tốt, thân thiện với môi trường, tuân thủ pháp luật của Việt Nam và có đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Năm 2016, sự cố môi trường do Formosa - một nhà đầu tư nước ngoài gây ra đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của Việt Nam. Từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, bài học kinh nghiệm có thể rút ra là gì? Đâu là những tiêu chí để đánh giá một dự án FDI tốt?

- Sự cố môi trường của dự án Formosa là điều đáng tiếc và các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ phải rút kinh nghiệm, coi đây là một bài học để rà soát theo từng chức năng nhiệm vụ của mình để bảo đảm việc thu hút FDI vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật. Tôi cho rằng, thời gian qua chúng ta coi trọng thu hút đầu tư mà chưa quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường. Do đó, về thu hút đầu tư, cần xác lập một hệ thống tiêu chí sàng lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Qua sự cố Formosa vừa qua, chúng ta rút ra bài học rất sâu sắc là cần rà soát lại kẽ hở trong pháp luật về đầu tư, môi trường, nhất là thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, bất cập về quy chuẩn kỹ thuật môi trường; phải làm rõ chức năng các bộ, ngành, địa phương trong việc thẩm định đánh giá công nghệ môi trường; cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án sau cấp phép.

Ngay từ khâu thẩm định dự án và cấp phép đầu tư phải có sự sàng lọc kỹ, đồng thời cần nâng cao năng lực của các cơ quan trong công tác quản lý, giám sát về môi trường và phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Tất nhiên, bảo vệ môi trường chỉ là một tiêu chí, còn nhiều tiêu chí để đánh giá một dự án FDI tốt: dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, triển khai theo đúng tiến độ; tạo việc làm cho người lao động và có thể đóng góp cho ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế địa phương, cho vùng lân cận và cả Việt Nam.

- Thời gian tới, để lựa chọn những dự án đầu tư nước ngoài tốt, thúc đẩy sự đóng góp của đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chủ trương chính sách và những giải pháp cụ thể của chúng ta như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Để thu hút được các dự án có chất lượng, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu như đã nói, chúng ta cần thực hiện tốt các giải pháp sau: Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao; ban hành các tiêu chuẩn để hạn chế, ngăn chặn các dự án kém chất lượng.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, cần huy động mọi nguồn lực để thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhanh chóng triển khai hiệu quả phương thức đầu tư theo hình thức PPP cũng như cần triển khai việc đào tạo lao động theo nhu cầu doanh nghiệp.

Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch, bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng... để làm căn cứ thu hút FDI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo việc thực thi các quy hoạch này như: phải có kế hoạch đầu tư hạ tầng, cung cấp điện, nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực...

Thứ tư, cải thiện khâu thực thi pháp luật: tăng cường năng lực bộ máy thực thi của các địa phương. Cải cách thủ tục và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan với việc thực thi không đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý địa phương để có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.

Thứ năm, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư thông qua các quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty tài chính, các công ty luật, công ty tư vấn nước ngoài...

Đồng thời, chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư hiện hữu để làm minh chứng về hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư mới. Đặc biệt, việc xúc tiến đầu tư cũng cần tập trung chú trọng vào các dự án FDI có chất lượng, đạt mục tiêu phát triển nền kinh tế bền vững; nói không với những dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và công nghệ lạc hậu.

Thứ sáu, tăng cường đối thoại với nhà đầu tư. Tiếp tục triển khai đối thoại chính sách với các nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam. Triển khai tốt Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản và các mô hình hỗ trợ nhà đầu tư như đối thoại chính sách Keidanren, Japan Desk, Korea Desk, Ichi Desk…

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Các tin khác