Thu hút vốn Nhật Bản vào các lĩnh vực mới

(ĐTTCO)-Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách điểm đến của doanh nghiệp Nhật Bản có nguyện vọng đầu tư ra nước ngoài. Chuyển đổi số, tăng trưởng xanh là những vấn đề được gợi mở trong Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản thời gian tới.
Thu hút vốn Nhật Bản vào các lĩnh vực mới

Tròn 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam với hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh.

Còn nhiều dư địa hợp tác

Đến nay, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 69 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Dòng vốn đầu tư của Nhật Bản đã hiện diện tại 57/63 địa phương trong cả nước, tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với giá trị vốn đăng ký 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam.

Về thương mại, Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản cũng là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương trong cả nước. Đơn cử, các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên... cho biết sẵn sàng hiện thực hóa cơ hội hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn.

Đáng lưu ý, quan hệ hợp tác phát triển ODA Việt Nam-Nhật Bản là một trong những mối quan hệ hợp tác phát triển song phương thành công nhất của Việt Nam thời gian qua. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, viện trợ ODA của Nhật Bản hiện chiếm hơn 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam, gồm hơn 2.700 tỷ yên vốn vay, gần 100 tỷ yên viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật.

Vốn ODA của Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thông qua việc thực hiện các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn như các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, các cảng biển Cái Lân, Lạch Huyện, Cái Mép-Thị Vải, cầu Nhật Tân… tạo động lực giúp Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội. Đây cũng là nguồn vốn quan trọng góp phần hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực... Thông qua các dự án ODA vốn vay, nhiều công nghệ tiên tiến sẽ được chuyển giao cho Việt Nam như lắp ráp vệ tinh, kỹ thuật xây dựng cầu, đường.

Chia sẻ thông tin tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Nhật Bản được tổ chức mới đây, ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh doanh Nhật Bản-Mekong thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: Bên cạnh vị trí là một cứ điểm sản xuất từ trước đến nay, Việt Nam đang trở thành quốc gia hấp dẫn để mở rộng ngành dịch vụ và khởi nghiệp của các nhà đầu tư Nhật Bản vì quy mô dân số đã lên đến khoảng 100 triệu dân, phần lớn là những người trẻ tuổi. Người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản cũng ngày càng tăng, là yếu tố khiến giao lưu giữa con người và công nghệ của hai nước sẽ trở nên thân thiết và quan trọng hơn.

Những đề xuất cho giai đoạn tiếp theo

Tháng 3/2023, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản kết thúc giai đoạn 8 sau 20 năm triển khai, trong đó có 497/597 hạng mục hoàn thành tốt và đúng tiến độ. Để phát huy hơn nữa vai trò của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng chương trình hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai nước. Trong đó tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về chuyển giao công nghệ. Cụ thể, doanh nghiệp Nhật Bản có năng lực tốt, nhiều kinh nghiệm và công nghệ cao trong khi doanh nghiệp Việt Nam có nguồn nhân lực, lao động dồi dào, có thể bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác cùng phát triển. Đáng lưu ý, đây là các nội dung nằm trong giai đoạn 8 của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản nhưng thời gian tới cần làm sâu sắc hơn, đáp ứng yêu cầu của hai nước trong bối cảnh mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phía Nhật Bản cần có giải pháp cụ thể hơn nữa và bổ sung nguồn lực để tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả hợp tác đầu tư thông qua các đề án, chương trình cụ thể.

Kết quả Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố cho thấy 60% số doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ cao nhất Đông Nam Á. Điều này cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản rất coi trọng thị trường Việt Nam.

Với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam đang chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Trong hành trình đó, Việt Nam mong muốn nhận được sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản có tiềm năng và phù hợp các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đổi mới sáng tạo... Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho các bên, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới.

Các tin khác