Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hơn 80.000 người Syria từ tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria đang đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu tại thủ đô Ankara ngày 22-12, Tổng thống Erdogan cảnh báo các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, sẽ sớm cảm nhận được áp lực này của Ankara.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo quốc gia cửa ngõ châu Âu này từng dọa sẽ mở toang cửa cho người tị nạn tràn vào châu Âu nếu nước này không nhận thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong việc tiếp nhận người tị nạn.
Theo con số chính thức, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận hơn 3,7 triệu người tị nạn Syria và đã chi tới 40 tỷ USD cho họ. Mặc dù hơn 600.000 người di cư sẽ tự nguyện trở về vùng an toàn để hòa nhập với 371.000 người hiện đã trở về, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nếu tiếp tục theo hướng này, Ankara sẽ ghi danh vào lịch sử với vai trò quốc gia đầu tiên thiết lập những thành phố dành riêng cho người di cư.
Tuy nhiên, nước này nhận được rất ít sự hưởng ứng của Mỹ và các nước châu Âu trong kế hoạch tái định cư cho 1 triệu người tị nạn Syria tại khu vực mà Ankara đã tiến hành một chiến dịch quân sự “quét sạch” các lực lượng Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Đây là tổ chức bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố, nhưng việc này lại gây tranh cãi và nhận được rất ít sự hưởng ứng của quốc tế.
Với vị trí quốc gia nằm giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng của hầu hết các sự kiện chính trị, quân sự xảy ra trong khu vực, đặc biệt là tình hình bất ổn và chiến tranh tại Syria, cũng như bất ổn tại Iraq hay Afghanistan. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Erdogan đều nhất trí cho rằng cần đẩy mạnh nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.
Hai nhà lãnh đạo cũng đồng thời khẳng định, sẵn sàng phối hợp để các nỗ lực chống khủng bố ở Syria đạt hiệu quả hơn nữa. Tuy nhiên, trước đó phía Ankara cáo buộc các lực lượng Syria và Nga đã tiến hành các cuộc không kích chống lại phiến quân ở tỉnh Idlib, gây ra một làn sóng người tị nạn mới đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới quan sát, từ cuộc thảo luận vấn đề này với Chính phủ Nga, những bước đi sắp tới của 2 bên còn là dịp để “thử lửa” mức độ bền vững trong quan hệ giữa Ankara và Moscow sau thời gian nồng ấm gần đây.
Bất chấp sự phản đối của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành thảo luận với Nga về hợp đồng mua lô tên lửa S-400 mới. Hãng thông tấn Interfax của Nga cho hay, hoàn toàn có khả năng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ký hợp đồng về việc bàn giao thêm một lô hệ thống tên lửa S-400 vào năm tới.
Theo Tân Hoa xã, bất chấp việc phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Nga sẽ khánh thành dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream) vào ngày 8-1-2020, một dự án đầy tham vọng từ Nga băng qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.