Thu ngân sách giảm hơn 190 tỷ đồng mỗi ngày nếu áp dụng thuế VAT 8%

(ĐTTCO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Thu ngân sách giảm hơn 190 tỷ đồng mỗi ngày nếu áp dụng thuế VAT 8%

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT như đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị quyết theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký tờ trình báo cáo Quốc hội về dự thảo nghị quyết nêu trên theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng

Chính phủ ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng

Theo dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31-12. Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Về mức giảm thuế VAT, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.

Theo Bộ Tài chính, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu), việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, tương đương 193 tỷ đồng/ngày, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Các tin khác