Thu nhập bình quân Việt Nam 3.200-3.500USD

(ĐTTCO) - Đó là một trong những mục tiêu phát triển được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đưa ra tại Diễn đàn Đối tác Phát triển 2015 (VDPF 2015) diễn ra sáng 5-12 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế trong nước hội nhập sâu hơn vào khu vực và thế giới, 5 năm tới (2016-2020) Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP cao hơn giai đoạn trước.

(ĐTTCO) - Đó là một trong những mục tiêu phát triển được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đưa ra tại Diễn đàn Đối tác Phát triển 2015 (VDPF 2015) diễn ra sáng 5-12 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế trong nước hội nhập sâu hơn vào khu vực và thế giới, 5 năm tới (2016-2020) Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP cao hơn giai đoạn trước.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng GDP của Việt Nam ước đạt 6,5-7%/năm, giá trị GDP bình quân đầu người đạt 3.200-3.500 USD vào năm 2020, năng suất các yếu tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%.

Để thực hiện các mục tiêu này, Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tạo động lực mới cho tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa vào năng suất lao động và đóng góp của khoa học công nghệ; đẩy mạnh và thực chất hơn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường thuận lợi và ưu đãi cho phát triển khu vực tư nhân; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, thị trường tài chính theo hướng đảm bảo an toàn nợ công; tân dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập.

 

Đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị chính sách được các đối tác phát triển đưa ra tại diễn đàn VDPF 2014, Bộ KH-ĐT cho biết trong số 14 hành động chính sách được các đối tác phát triển khuyến nghị liên quan đến việc ban hành, sửa đổi, bổ sung 80 văn bản quy phạm pháp luật và 37 hoạt động khác. Đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước đã hoàn thành 57 văn bản pháp luật, 23 văn bản đang được xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bàn về các thách thức với Việt Nam trong thời gian tới, bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng Việt Nam sẽ đối mặt với 5 vấn đề, đó là thách thức về năng suất lao động, nỗ lực cải cách thể chế thị trường, ô nhiễm môi trường trong tăng trưởng, giảm nghèo và phúc lợi xã hội, cuối cùng là trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính phủ.

Theo WB, những năm gần đây dù kinh tế Việt Nam đã phục hồi tăng trưởng khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu nhưng có xu thế tốc độ tăng năng suất lao động giảm dần là điều đáng lo ngại. Trung bình trong những năm qua, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 4%/năm, trong khi tỷ lệ này của Trung Quốc là 7%/năm, Hàn Quốc là trên 5%/năm vào thời điểm có cùng trình độ phát triển với Việt Nam.

Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo cho Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, đủ để Việt Nam đi theo quỹ đạo phát triển của Hàn Quốc hay Đài Loan. Giải pháp cải thiện tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay theo WB là cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và đảm bảo quyền sở hữu tài sản.

Nhiều thách thức trong hội nhập

Nhìn nhận về các thách thức của Việt Nam trong 5 năm tới, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Eric Sidgwick cho hay, khi thực hiện đột phá phát triển hạ tầng Việt Nam sẽ đối mặt với các thách thức về huy động vốn. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư khoảng 9-10% GDP vào các lĩnh vực giao thông, năng lượng, nước sạch, công nghệ thông tin. Qua đó đã xây dựng và đưa vào khai thác trên 500 km đường cao tốc, mở rộng 1.700 km quốc lộ 1A, khoảng 1.000 km đường thủy nội địa được cải tạo, công suất phát điện tăng từ 19 GW lên 32,7 GW...

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, ước tính mỗi năm có khoảng nửa triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị thì áp lực về đầu tư hạ tầng là rất lớn. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển hạ tầng, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vay ODA, đẩy mạnh hợp tác công tư, và phát triển đa dạng thị trường vốn.

Trong lĩnh vực hội nhập, các đối tác phát triển cho rằng bên cạnh các cơ hội Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức. Chẳng hạn việc tham gia TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 8%/năm từ nay đến năm 2035. Hiện các thành viên TPP đang chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu, 22% nhập khẩu và 38% đầu tư FDI của Việt Nam. Tuy nhiện hiệp định TPP cũng mang tới nhiều rủi ro nếu như Việt Nam không triển khai các cam kết cẩn trọng, có thể đánh mất nhiều lợi ích. Các vấn đề như giảm thuế suất với hành hóa thương mại, giảm rào cản đối với thương mại dịch vụ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và giảm thiểu vai trò doanh nghiệp nhà nước với thị trường… là những khó khăn phải giải quyết.

Báo cáo VDPF 2015 tiếp tục đưa ra các khuyến nghị với Việt Nam về cải cách thể chế, cải thiện tự do hóa kinh doanh, hạn chế hoạt động doanh nghiệp nhà nước ở những lĩnh vực chiến lược, áp đặt kỷ luật với doanh nghiệp nhà nước để hỗ trợ cạnh tranh, nâng cao tính minh bạch chính sách, tạo điều kiện để tư nhân trong cung cấp dịch vụ công, thay đổi tư duy về hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân… Theo đó, các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cải cách để tăng cường tự do kinh tế, thúc đẩy vai trò khu vực tư nhân và củng cố các nguyên tác cạnh tranh bình đẳng; thúc đẩy vai trò các tổ chức cộng đồng xã hội dân sự và cải thiện hiệu lực điều hành, thực hiện chính sách.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Phát triển nhanh, bền vững hơn

Mục tiêu phát triển 5 năm tới 2016 - 2020 của Việt Nam là phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Mục tiêu đề ra là tăng trưởng đạt 6,5% -7%/năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Cùng với phát triển, tăng trưởng kinh tế thì Việt Nam phải phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống xã hội, lấy con người làm mục tiêu, trung tâm của sự phát triển. Bên cạnh đó là bảo vệ môi trường sống, cải thiện môi trường sống. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ, đã và đang thực hiện việc này vì Việt Nam là một trong số ít nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Thứ tư là bảo đảm môi trường ổn định, an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam nhất quán là phải thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược: tiếp thục hoàn thiện thể chế đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân vì dân, tất cả mọi nguồn lực thuộc về nhân dân... Trong giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam tập trung thực hiện các nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung bảo đảm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm vững chắc hơn các cân đối lớn của nền kinh tế để đảm bảo tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm trong 5 năm tới trên nền tảng kinh tế vĩ mô bảo đảm các cân đối nền kinh tế; gắn với tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó là tập trung bảo đảm thể chế kinh tế thị trường, tạo lập phát triển các định chế của kinh tế thị trường để nó vận hành một cách hiệu quả như thị trường đất đai; nâng cao quản trị nền kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế luật pháp, bảo đảm quyền dân chủ tự do, quyền sở hữu của người dân, quyền con người, quyền công dân như trong Hiến pháp 2013...

Các tin khác