Thu phí cảng biển Hải Phòng: Nhiều ý kiến trái chiều

(ĐTTCO) -  Việc UBND quận Hải An (TP Hải Phòng) tiến hành thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP Hải Phòng đã gây nhiều bức xúc với DN có liên quan. Đại diện nhiều hiệp hội DN cho rằng quy định này của Hải Phòng là phí chồng phí, giảm sức cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến chủ trương cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

(ĐTTCO) -  Việc UBND quận Hải An (TP Hải Phòng) tiến hành thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP Hải Phòng đã gây nhiều bức xúc với DN có liên quan. Đại diện nhiều hiệp hội DN cho rằng quy định này của Hải Phòng là phí chồng phí, giảm sức cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến chủ trương cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Tận thu? 

Quy định của TP Hải Phòng sẽ mở đầu cho hàng loạt địa phương khác ban hành các phí tương tự theo chủ trương tăng thu bù chi. Điều này nếu xảy ra sẽ làm sụt giảm niềm tin của DN vào môi trường kinh doanh, đi ngược quan điểm về Chính phủ kiến tạo và những chủ trương hỗ trợ DN của Chính phủ. Việc làm của TP Hải Phòng sẽ tạo ra tiền lệ để các tỉnh có cửa khẩu và cảng biển đưa ra các quy định tương tự về việc thu các loại phí trên càng khiến DN gặp nhiều khó khăn hơn.

Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Tổng thư ký VPSF

Căn cứ Nghị quyết 148 ngày 13-12-2016 của HĐND TP Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng giao UBND quận Hải An triển khai, tổ chức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng, thời gian thực hiện từ 1-1-2017. Theo đó, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, loại container 20-40 feet hàng khô có mức thu mới 2,2-4,4 triệu đồng/container; container 20-40 feet hàng lạnh 2,3-4,8 triệu đồng/container; hàng lỏng, rời 50.000 đồng/tấn.

Đối với hàng quá cảnh, chuyển khẩu, loại container 20-40 feet 500.000-1 triệu đồng/container; hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, container 20-40 feet 250.000-500.000 đồng/container. Theo ước tính của Sở Tài chính Hải Phòng, với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt khoảng 80 triệu tấn, số thu phí năm 2017 sẽ khoảng 1.500 tỷ đồng.

Tại cuộc họp tham vấn về quy định thu phí của Hải Phòng do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) với các hiệp hội diễn ra cuối tuần qua, đại diện VPSF phân tích, theo Điều 6 và Điều 113 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, dự thảo phải đăng ít nhất 30 ngày trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, TP để các cá nhân, tổ chức đóng góp ý kiến.

Trường hợp cần thiết phải tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách với các đối tượng chịu tác động trực tiếp trước khi ban hành. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là TP Hải Phòng đã tiến hành dự thảo, lấy ý kiến các bên liên quan/chịu tác động của quy định ra sao trước khi ban hành nghị quyết? Việc tiếp thu ý kiến các bên sau vòng lấy ý kiến và giải trình nội dung tiếp thu thực hiện như thế nào?

Điều 8 Luật Phí và lệ phí 2015 quy định “mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân”. Căn cứ theo quy định này, VPSF đặt câu hỏi tổng mức thu dự kiến qua phí mới này và mức chi cần thiết của Hải Phòng có tương đồng?

Nếu không chứng minh được con số cần thiết để bù đắp chi phí của địa phương, không thể tự đặt ra mức phí như hiện tại. Hoặc nếu mức phí hiện tại đem lại tổng thu vượt mức chi cần thiết, phần vượt đó không hợp lý cần phải được giảm tải trong phí.

Mặt khác, quy định mới này có đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ như quy định tại Điều 8 khi các DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất... phải nộp phí chênh lệch gấp 10 lần so với DN thông quan, nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… ngay tại các cảng của TP Hải Phòng?

Ảnh hưởng môi trường kinh doanh 

Phí hạ tầng cảng biển được quy định trong Luật Phí và lệ phí, không trùng các loại phí khác DN đang thực hiện. Hiện các địa phương lân cận đã và đang tiến hành thực hiện thu loại phí này theo luật định, dự kiến triển khai trong 6 tháng đầu năm 2017. Từ nguồn thu này TP Hải Phòng sẽ có thêm nguồn lực đầu tư trở lại cho hạ tầng cảng biển, các công trình tiện ích công cộng, sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cảng biển khu vực Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

Tại cuộc họp trực tuyến về ngân sách với Bộ Tài chính cuối tuần qua, ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết ngày 3-1, Hải Phòng đã thu  phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển.

Việc thu này nhằm duy tu, bảo dưỡng, tái tạo các công trình hạ tầng. Việc triển khai thu đang được thực hiện khá tốt. Ông Sơn cũng đề nghị Bộ Tài chính ủng hộ và nhắc các địa phương khác triển khai thu dịch vụ này nhằm đảm bảo tính đồng bộ trên toàn quốc.

 Tuy nhiên, ông Phan Vinh Quang, Phó Giám đốc dự án phát triển khu vực tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết theo quy định của WTO, chi phí ngoài thuế xuất nhập khẩu phải dựa vào chi phí cung cấp dịch vụ, không phải là cơ hội để tăng thuế. Nghĩa là chi phí 3 đồng chỉ thu 3 đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng dịch vụ logistics ở Việt Nam bị đánh giá chi phí cao, thời gian lâu, nay lại tăng phí sẽ ảnh hưởng đến quá trình giao nhận hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tiêu cực đến hội nhập khi DN FDI đang chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. “Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó đưa ra các yêu cầu quan trọng là cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN. Cách làm của Hải Phòng lại đi ngược nỗ lực này” - ông Tương nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cho rằng quy trình ban hành và việc đưa ra mức phí mới theo cách “đè ra thu” của TP Hải Phòng sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, đến hình ảnh của Chính phủ... Nếu DN không liên kết với nhau sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra. Ông Kitashima Satoshi, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, nhận xét việc thu phí này của TP Hải Phòng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài của của Nhật Bản vào Việt Nam.

Theo điều tra của JETRO, chi phí vận tải container của Việt Nam, cụ thể là Hà Nội thường cao hơn các nước khu vực như Indonesia, Singapore... thậm chí cao hơn TPHCM. Vì thế, nếu Hải Phòng áp dụng thu phí nêu trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Phân tích thêm, ông Kitashima Satoshi cho rằng thời gian ban hành văn bản, thực hiện quá ngắn, trong khi DN nước ngoài không biết tiếng Việt nên họ không có thời gian chuẩn bị, đáp ứng quy định này.

Hiện nay, rủi ro lớn nhất cho môi trường đầu tư của Việt Nam là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và vận hành quy định pháp luật thiếu minh bạch. Thống kê từ JETRO cho thấy có 63% DN Nhật Bản phàn nàn về việc ban hành văn bản thiếu nghiên cứu khi xây dựng, dẫn đến nội dung văn bản xa rời thực tế…

JETRO đề nghị VPSF kiến nghị HĐND, UBND TP Hải Phòng tạm dừng việc thu phí và xem xét lại tính khả thi của nó. “Nếu không giải quyết được chúng tôi buộc phải cung cấp thông tin này cho DN Nhật Bản tương lai muốn đầu tư vào Việt Nam” - ông Kitashima Satoshi nói và cho biết, 1 tháng ông thường tiếp xúc khoảng 60 DN Nhật  Bản tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Các tin khác