Thu phí dịch vụ phải tốt hơn

Sau một thời gian ưu đãi giảm hoặc miễn phí nhiều dịch vụ thanh toán để kích cầu khách hàng sử dụng, đến nay nhiều NHTM lớn đã bắt đầu tận thu các loại phí.

Sau một thời gian ưu đãi giảm hoặc miễn phí nhiều dịch vụ thanh toán để kích cầu khách hàng sử dụng, đến nay nhiều NHTM lớn đã bắt đầu tận thu các loại phí.

Từ ngày 1-4, Vietcombank (VCB) thực hiện thu một số loại phí như phí quản lý tài khoản thẻ 3.300 đồng/tháng/thẻ (tương tự phí thường niên), phí chuyển khoản tại ATM đối với thẻ ghi nợ nội địa 3.300 đồng/giao dịch, phí thanh toán trên điện thoại di động Moblile Bankplus 3.300 đồng/giao dịch.

Chưa tính các loại phí cũ khác như phí rút tiền mặt ngoại mạng (liên kết với VCB). Có thể thấy chủ thẻ ATM của VCB đang chịu nhiều loại phí qua nhiều kênh giao dịch khác nhau. Mới đây, Eximbank cũng thông báo từ ngày 2-4 sẽ áp dụng thu phí thường niên cho khách hàng cá nhân có đăng ký dịch vụ Internet Banking Eximbank. Cụ thể thu 110.000 đồng/khách hàng/năm áp dụng cho khách hàng đăng ký sử dụng gói Eplus.

ACB cũng vừa tăng phí rút tiền mặt từ 2% lên 3%, nhưng vẫn duy trì mức phí tối thiểu 60.000 đồng/năm đối với các thẻ trả trước quốc tế và thẻ ghi nợ quốc tế thực hiện giao dịch tại ATM ngoài hệ thống của ACB.

Sau một năm miễn phí để khuyến khích khách hàng, Sacombank hiện cũng đã áp dụng thu phí thường niên đối với loại thẻ dành riêng cho khách hàng nữ.

Giải thích về việc thu phí, các NHTM cho biết để bù đắp chi phí đầu tư xây dựng hệ thống và chi phí hoạt động, nhất là NH có gần 1.700 máy ATM, trên 110.000 máy POS như VCB, trong khi việc đầu tư 1 máy ATM có giá trung bình 30.000USD.

Việc thu phí chủ yếu diễn ra ở những NH đã có số lượng khách hàng cá nhân lớn và giữ một thị phần khá vững chắc trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ ATM, nên không lo sẽ bị ảnh hưởng đến thị phần. Trong khi đó, để thu hút khách hàng sử dụng, nhiều NHTM nhỏ và vừa như ABBank, VietABank… chấp nhận miễn phí một số dịch vụ thanh toán, ATM, NH điện tử… cho khách hàng cá nhân.

Có thể thấy, những NH như DongABank, VCB, ACB… có nhiều cơ hội để gia tăng nguồn thu từ dịch vụ. Thí dụ, với hơn 6 triệu khách hàng thẻ hiện nay của VCB, chỉ cần thu phí quản lý tài khoản thẻ 3.300 đồng/tháng, chưa kể các phí khác, VCB đã có thể thu về khoảng 200 tỷ đồng.

DongA Bank cũng đã đạt 5,1 triệu thẻ nên chỉ với việc thu phí ở các giao dịch Internet Banking cũng giúp NH này có một nguồn thu dịch vụ đáng kể. Riêng với ACB, năm ngoái hoạt động kinh doanh thẻ cải thiện rõ rệt với thu nhập thuần tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ, doanh số phát triển thẻ cao cấp gấp 3 lần cùng kỳ. Đây là cơ hội để ACB tăng tốc mảng dịch vụ thẻ trong năm nay.

Theo một chuyên gia NH, sau một thời gian đầu tư đến nay các NHTM lớn đã bắt đầu thu hoạch, điều này là xu thế tất yếu khi các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển và người dân cũng chấp nhận việc trả phí để sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, tình trạng “rắc rối” tại những điểm giao dịch qua thẻ ATM, hay sự cố nghẽn mạng dịch vụ NH điện tử vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều NHTM, ngay cả với những NHTM vốn trước đây tiên phong trong lĩnh vực này. Điều này đang là nỗi lo lắng cho nhiều khách hàng khi dịch vụ chưa hoàn hảo nhưng các NHTM đã bắt đầu thu phí.

Chưa kể hiện nay đối với một bộ phận người sử dụng ATM chủ yếu là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, cán bộ hưu trí… đơn thuần chỉ nhận lương, nhưng đa số có mức lương thấp nên việc thu phí sẽ gây thiệt thòi cho đối tượng này.

Rõ ràng khách hàng chấp nhận mất phí với đòi hỏi những dịch vụ phải tốt hơn. Vì vậy, khi thu được tiền, yêu cầu đặt ra cho các NH là phải đầu tư mạnh hơn cho các dịch vụ này. 

Các tin khác