Trong khi đó, sản lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trong những năm qua đang có dấu hiệu giảm, cụ thể từ năm 2012 là 413 triệu hành khách nhưng đến năm 2016 giảm còn 326 triệu hành khách. Như vậy, với tốc độ phát triển xe cá nhân và khả năng đáp ứng của hạ tầng cũng như VTHKCC hiện nay, khoảng 10 năm nữa có lẽ TPHCM phải di dời ra nơi khác làm TP mới.
Kinh tế phát triển, đô thị mở rộng, tất yếu nhu cầu đi lại vận chuyển gia tăng. Nhưng hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng không theo kịp, người dân phải sắm xe cá nhân. Nhiều xe cá nhân sẽ sinh ra ùn tắc kẹt xe là chuyện không tránh khỏi. Hệ lụy của việc quá tải xe cá nhân đã rõ, nhưng đây không phải là thủ phạm chính. Cốt lõi vấn đề là chúng ta đã không cân bằng giữa nhu cầu đi lại, vận chuyển với giao thông công cộng; hạ tầng giao thông phát triển chậm và quản lý xây dựng đô thị không kiểm soát được.
Trước thực trạng giao thông trên, TPHCM đang xây dựng đề án tăng cường VTHKCC kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. Trong đó tập trung vào các giải pháp tăng cường VTHKCC từ nay đến năm 2030 và các giải pháp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân.
Sở GT-VT TP đã đưa ra 6 nhóm giải pháp chính để phát triển VTHKCC, gồm: rà soát và tối ưu hóa mạng lưới tuyến xe buýt; nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC trên địa bàn; đầu tư đổi mới phương tiện; phát triển kết cấu hạ tầng, dành quỹ đất hợp lý cho VTHKCC; ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành vận tải; thông tin tuyên truyền.
Mới đây, CTCP Công nghệ Tiên Phong đã báo cáo Sở GT-VT đề án thu phí ô tô vào khu trung tâm, sau khi đã chỉnh sửa đề án cũ trình UBND TPHCM từ năm 2012. Theo đề án, 36 cổng thu phí sẽ được xây dựng trong vành đai khép kín, áp dụng công nghệ thu phí hiện đại nhằm giảm lượng ô tô cá nhân vào khu vực nội thành trong giờ cao điểm.
Mỗi ô tô sẽ có một tài khoản, xe nào di chuyển vào khu trung tâm trong giờ cao điểm, hệ thống sẽ trừ tiền trong tài khoản. Xe nào không đóng tiền, hệ thống sẽ ghi nhận và báo qua đơn vị đăng kiểm, sẽ có quy định xử phạt và không cho đăng kiểm cho đến khi đóng tiền. Giá thu được đề xuất 40.000 đồng/lượt. Đáng chú ý, hệ thống sẽ chỉ thu trong giờ cao điểm để người dân lựa chọn tuyến đường phù hợp.
Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc CTCP Công nghệ Tiên Phong, cho biết đề án dự tính ngay trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, sẽ có tới 50% lượng ô tô giảm đi vào khu trung tâm, nhường đường cho lượng xe buýt tăng từ 9% lên 15%, góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông cho TP.