Thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường: Cần rõ ràng tránh lạm thu

(ĐTTCO) - Theo UBND TPHCM, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè là phù hợp và cần thiết, mang lại hiệu quả trong công tác quản lý và tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.

Việc thu phí nhằm tạo thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, vỉa hè. Giải pháp này cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè, đảm bảo giao thông an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó là đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.

Khu vực đậu xe có thu phí trên đường Lê Lai, quận 1, TPHCM

Khu vực đậu xe có thu phí trên đường Lê Lai, quận 1, TPHCM

Nâng cao trách nhiệm

Trong phiên giải trình của HĐND TPHCM về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố vào ngày 15-9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhìn nhận, thời gian qua, hiệu quả xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường chưa cao. Nguyên nhân là nhu cầu mưu sinh của người dân còn nhiều, hệ thống vỉa hè của thành phố chưa được đầu tư đồng bộ.

Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có nhưng chưa đáp ứng được thực tế tại TPHCM. Do đó, UBND TPHCM sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thẩm quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, lập lại trật tự lòng, lề đường.

Thực hiện bước quan trọng để hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý vỉa hè, lòng đường trên địa bàn, tại kỳ họp của HĐND TPHCM vào ngày 19-9, UBND TPHCM đã trình HĐND TPHCM nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố (vỉa hè) trên địa bàn TPHCM, áp dụng từ đầu năm 2024.

Trước đó, UBND TPHCM cũng đã ban hành Quyết định 32/2023/QĐ-UBND (Quyết định 32) quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè, áp dụng từ ngày 1-9. Quyết định 32 quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè không được gây mất trật tự an toàn giao thông, không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên trụ sở cơ quan, tổ chức, đặc biệt là phải đảm bảo tối thiểu 1,5m chiều rộng vỉa hè dành cho người đi bộ.

Đảm bảo hài hòa lợi ích

Ngay sau khi UBND TPHCM ban hành Quyết định 32 và HĐND TPHCM thông qua nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM, các địa phương đã rà soát, thống kê các tuyến đường có thể sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè để triển khai.

Theo ông Đoàn Trần Hải Âu, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 6, Quyết định 32 được ban hành nhằm quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè bảo đảm an toàn, hiệu quả và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ ràng, cụ thể đối tượng sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè có thu phí.

Ở góc độ người dân, ông Phạm Hữu Thế (ngụ quận 1) phân tích, vỉa hè trước cửa nhà cũng là bộ mặt của chủ căn nhà đó. Giá nhà, giá thuê của các căn nhà ở vị trí mặt tiền đường cao hơn nhiều so với nhà trong hẻm, nên việc thành phố thu phí sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cần phải tính đến yếu tố này; qua đó đảm bảo quyền lợi cho chủ căn nhà ở mặt tiền đường, phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân.

“Khi thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè thì nên quy định rõ chủ nhà mặt tiền đường được sử dụng bao nhiêu phần diện tích vỉa hè để phục vụ kinh doanh hoặc nhu cầu lưu thông ra vào nhà. Phần còn lại sẽ nằm trong không gian thu phí. Trường hợp chủ nhà không sử dụng mà cho thuê thì phải có ý kiến của địa phương”, ông Thế đề xuất.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến trên, nhiều người dân khác cũng cho rằng, các địa phương cần tính toán sắp xếp việc sử dụng tạm vỉa hè có thu phí một cách hợp lý, phù hợp với đặc trưng của khu vực và đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường chung. Trường hợp nào vi phạm thì phải xử lý dứt điểm.

Chia sẻ với băn khoăn này, ông Tô Thanh Tâm, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, khẳng định, quận Bình Tân sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân về vấn đề này để lắng nghe nhu cầu của người dân trước khi triển khai thực hiện.

Theo ông Tô Thanh Tâm, Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân đã tham mưu UBND quận Bình Tân để có những bước tiếp theo trong việc tổ chức triển khai thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè từ ngày 1-1-2024.

Qua rà soát, quận Bình Tân thống kê có những tuyến đường đủ điều kiện; nhưng khi triển khai thực tế, quận phải khảo sát, đánh giá lại chi tiết từng tuyến đường có đủ điều kiện cho phép sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường có thu phí hay không, để việc triển khai thu phí đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người dân cũng như đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước thì phải quy định cụ thể cơ quan quản lý, cơ quan cấp phép, đơn vị thực hiện thu phí, đơn vị kiểm tra giám sát. Do đó, quận sẽ cân nhắc chọn những tuyến đường để tập trung thực hiện, từng bước mở rộng chứ không thực hiện đại trà.

Ông LÊ TRƯƠNG HẢI HIẾU, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM:

Không để xảy ra tiêu cực khi thu phí

Việc TPHCM áp dụng thu phí sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè là phù hợp với quy định tại Luật Phí và lệ phí, góp phần hoàn thiện các quy định, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Trong quá trình thẩm định tờ trình của UBND TPHCM, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã đề nghị UBND TPHCM đảm bảo nguồn lực, cách thức tổ chức thực hiện việc thu phí; công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đúng mục đích nguồn thu phí. Đồng thời, áp dụng giải pháp thu hiện đại và các biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thu phí nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực.

Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố. Song song đó, phải xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, không để xảy ra tiêu cực, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trái phép. Ngoài ra, cần kiểm tra, giám sát trách nhiệm của UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức trong công tác tổ chức thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn.

TS TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM:

Quy định rõ nghĩa vụ của người sử dụng vỉa hè

Thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người buôn bán và người tham gia giao thông, đi bộ trên vỉa hè. Các trường hợp mua bán thực phẩm phải bảo đảm an toàn thực phẩm, đủ tiêu chí mới được cấp giấy phép cho thuê. Do đó, các tiêu chí “sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường” phải được xây dựng nghiêm túc ngay từ đầu, dù khó khăn nhưng vẫn phải làm.

Ngoài ra, khi triển khai thu phí cần có sự tham gia giám sát của người dân để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chính quyền và người dân. Việc tổ chức thu phí phải đảm bảo khách quan, minh bạch, gắn trách nhiệm với người thi hành công vụ, nếu không thì sẽ không đạt mục đích của việc thu phí.

Các tin khác