Thu thuế TMĐT loay hoay đến khi nào?

(ĐTTCO) - Tại tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, là trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử  (TMĐT) trong việc kê khai, nộp thuế. 
Từ năm ngoái, bộ này đã soạn thảo và lấy ý kiến về việc quản lý thuế với hộ cá nhân, kinh doanh, bao gồm việc thu thuế người kinh doanh trên sàn TMĐT; đưa ra phương án tất cả sàn TMĐT phải nộp thuế thay người bán để tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp, chuyên gia.
Tiếp thu các ý kiến phản biện, Bộ Tài chính đề xuất chia các sàn TMĐT thành 2 loại, sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến và không có chức năng đặt hàng. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…) phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn.
Theo Bộ Tài chính, quy định này là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế. Theo đó, thay vì hàng trăm ngàn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế, chỉ cần một đầu mối là sàn TMĐT khai, nộp thuế thay, cắt giảm được thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và người nộp thuế.
Thật ra việc thu thuế người kinh doanh qua sàn TMĐT đã được đề cập từ cách đây 5 năm, khi hình thức kinh doanh qua các sàn TMĐT bùng nổ ở Việt Nam, nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo công bằng trong kinh doanh.
Thế nhưng, cho đến nay dù bàn tới bàn lui, việc thu thuế người kinh doanh qua sàn TMĐT dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Thậm chí, người kinh doanh online còn chỉ nhau những chiêu thức nhằm trốn thuế nếu bị cơ quan thuế gọi tên. Năm ngoái, khi Bộ Tài chính đưa ra phương án tất cả sàn TMĐT phải nộp thuế thay người bán, đa số các sàn phản đối, cho rằng như vậy sẽ làm gia tăng chi phí, trong khi họ đang lỗ. Nhưng nếu chờ các sàn hết lỗ mới triển khai biết đến khi nào, trong khi người kinh doanh qua sàn tiếp tục được hưởng lợi khi không phải đóng thuế. 
Trong khi nhiều sàn phản đối, không ít ý kiến lại đồng tình với phương án này của Bộ Tài chính, cho rằng các sàn nắm rất rõ thông tin người bán và các giao dịch được thực hiện trên sàn của mình, từ đó biết được doanh thu chính xác của người bán hàng, nên việc kê khai thay cũng không quá sức, đồng thời người bán cũng không thể trốn thuế. Hơn nữa, hiện phần lớn sàn TMĐT đều là các doanh nghiệp mạnh về công nghệ, nên việc gia tăng chi phí cũng không quá lớn. Nếu không có phương án quyết liệt ngành thuế lại tiếp tục thất thu thêm vài năm nữa. 
Trong khi ngành thuế vẫn loay hoay với bài toán chống thất thu và tạo công bằng kinh doanh, thị trường TMĐT đang duy trì tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, năm 2015 TMĐT bán lẻ (B2C) chỉ đạt 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước, đến năm 2018 con số này đã đạt 8,06 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017).
Sang năm 2019, TMĐT chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 11,8 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021. Năm nay, dự báo quy mô thị trường B2C đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước... Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh, dự báo đạt 260-285USD/người trong năm nay. Người mua càng nhiều, ngành thuế thất thu càng lớn. 
Cũng biết việc quản lý thuế với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số vốn không dễ dàng. Thế nhưng đến nay Việt Nam đã có thể thu thuế của các ông lớn như Facebook, Google, thì việc thu thuế người kinh doanh trên sàn TMĐT chỉ là chuyện sớm muộn và tùy thuộc vào sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước. 

Các tin khác