TP.HCM xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng, để thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp cơ quan chức năng mỗi nơi hiểu một cách khác nhau về những quy định của Nhà nước, nên DN phải chạy lòng vòng, mất rất nhiều thời gian mà không cơ quan nào giải quyết được. Đó là những trường hợp của nhiều DN ở Khu công nghệ cao TP.HCM khi xin giấy phép xây dựng có điều chỉnh chi tiết cục bộ nội khu.
DN chạy lòng vòng
Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ cao Việt Nam - SuPan có dự án tại Khu Công nghệ cao TP.HCM với diện tích hơn 1ha. Công ty này được Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (Ban quản lý) cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1/2019. Tuy nhiên, 3 năm nay DN này phải chạy lòng vòng, loay hoay để xin giấy phép xây dựng nhưng mãi vẫn chưa xong nên không thể triển khai dự án.
Lý do cho sự chậm trễ là do dự án của DN này có sự điều chỉnh chi tiết cục bộ nội khu, nên khi xin giấy phép xây dựng, Ban quản lý yêu cầu DN liên hệ với UBND TP.Thủ Đức và được hướng dẫn sang Sở Xây dựng để thực hiện bước thủ tục tiếp theo. Nhưng khi DN đến Sở Xây dựng, lại được hướng dẫn DN quay về Ban Quản lý để xin giấy phép xây dựng và bị vướng ở đây vì văn bản mới không thể thay thế cho văn bản 31 của UBND TP.HCM liên quan đến vấn đề này, nên chưa giải quyết được.
Ông Thái Thanh Hải, Phó Ban quản lý dự án của Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ cao Việt Nam - SuPan cho rằng, cách giải quyết thủ tục hành chính như hiện nay rất khó khăn cho DN, khiến DN không biết nơi nào có trách nhiệm giải quyết.
“DN đi tới đi lui nhưng giữa các cơ quan quản lý chưa xác định rõ trách nhiệm, quyền giải quyết. Vì vậy DN bơ vơ không biết cơ quan nào sẽ giải quyết việc này, thủ tục giải quyết cụ thể ra sao. Ban quản lý yêu cầu phải làm thủ tục điều chỉnh cục bộ nội khu, UBND TP.Thủ Đức lại nói không cần thiết nên DN không biết thực hiện sao cho đúng”, ông Hải cho biết.
Không chỉ Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ cao Việt Nam – SuPan, mà nhiều DN ở trong khu này đang xin giấy phép xây dựng có điều chỉnh chi tiết cục bộ nội khu đều bị vướng mắc, khiến DN phải chạy lòng vòng khắp nơi nhưng đều không được giải quyết. Công ty NIPRO Việt Nam cũng vướng điều chỉnh chi tiết cục bộ nội khu thời gian kéo dài, không triển khai dự án được, ảnh hưởng đến hoạt động và đang chờ UBND TP.Thủ Đức trả lời.
“Hiện DN vướng quy hoạch chi tiết 1/500 nên chưa thực hiện dự án và có khả năng chậm trễ kế hoạch sản xuất của tập đoàn, ảnh hưởng đến doanh thu khi hoạt động ở Việt Nam”, ông Trần Quốc An, đại diện Công ty NIPRO Việt Nam chia sẻ.
Chỉ đích danh cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết
Khu Công nghệ cao TP.HCM hiện có 163 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 12,68 tỷ USD, trong đó có 86 dự án đang hoạt động. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của khu ước đạt gần 12,9 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Trước vướng mắc nêu trên của nhiều DN, ngày 21/5/2022 UBND TP.HCM đã có văn bản số 1675 do Chủ tịch UBND TP.HCM ký, yêu cầu cơ quan chức năng phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết cục bộ và giao cho UBND TP.Thủ Đức giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các DN vẫn tiếp tục chờ UBND TP.Thủ Đức có hướng giải quyết.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, sắp tới Ban sẽ ký kết hợp tác với TP.Thủ Đức, đây là nơi thụ lý hồ sơ, thủ tục liên quan về quy hoạch là chính cũng như cấp giấy phép xây dựng đối với một số loại cấp công trình. “Chúng tôi thống nhất, Ban quản lý Khu công nghệ cao là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và có cơ chế phối hợp với TP.Thủ Đức để giải quyết thủ tục. Tất nhiên, TP.Thủ Đức giải quyết theo thẩm quyền, nhưng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với Ban trong quá trình thẩm định để DN không phải đi giải thích với nhiều nơi cùng một nội dung”, ông Thi khẳng định.
TP.HCM có 18 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao. Việc xin cấp phép xây dựng có điều chỉnh quy hoạch chi tiết cục bộ nội khu không chỉ DN ở Khu Công nghệ cao gặp khó mà một số DN ở các khu công nghiệp, khu chế xuất khác cũng gặp khó khăn, vì thủ tục này liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ở các khu công nghiệp và khu chế xuất khác khi có vướng mắc, Ban quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) mời các cơ quan chức năng và DN cùng trao đổi. Vì vậy những vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ nhanh, kịp thời hơn.
Các DN đang kỳ vọng, khi UBND TP.HCM đã giao TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này, cùng với việc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, như vậy sẽ không còn cảnh DN bị “hành”, phải chạy lòng vòng nhiều nơi làm thủ tục hành chính.