Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU đã nhiều lần lưu ý rằng họ không sẵn lòng xem lại thỏa thuận này.
Trước đó, theo Reuters, ông Johnson đã điện đàm kéo dài 1 giờ với người đồng cấp Ireland, Leo Varadkar. Ông Varadkar lặp lại lập trường không thể đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, hai thủ tướng đồng ý gặp nhau tại Dublin vào tháng tới để bàn thêm.
Trong bức thư của mình gửi các nhà lãnh đạo EU, Thủ tướng Anh Johnson nói rằng Anh không thể chấp nhận các trạm kiểm soát ở biên giới giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và Bắc Ireland (thuộc Anh) khi Anh rút khỏi EU vì điều này “chống dân chủ và không phù hợp với chủ quyền của Vương quốc Anh”. Ông Johnson viết: “Chính phủ sẽ không áp dụng xây dựng cơ sở hạ tầng, chốt kiểm soát tại biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland. Chúng tôi hy vọng rằng EU cũng sẽ chấp nhận”.
Thủ tướng Anh sẽ phải thuyết phục Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đàm phán lại Brexit
Ông Boris Johnson cố gắng thúc giục EU xem xét lại lập trường Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tuần này ở Biarritz, Pháp. Ông cũng sẽ đến Berlin vào ngày 21-8 để gặp Thủ tướng Angela Merkel, sau đó tới Pháp gặp Tổng thống Emmanuel Macron vào ngày 22-8 để thuyết phục họ thay đổi lập trường. Theo báo Daily Telegraph, Thủ tướng Anh sẽ thúc giục bà Merkel gây áp lực lên các nhà lãnh đạo EU khác, đặc biệt là Ireland, để loại bỏ hoàn toàn các điểm kiểm soát, đồng thời cảnh báo Brexit không thỏa thuận có thể tạo ra nhiều khó khăn cho Cộng hòa Ireland (thuộc EU) hơn là đối với Vương quốc Anh.
Nếu EU không chấp nhận đàm phán lại một thỏa thuận Brexit mới, tương lai của Thủ tướng Johnson có thể sẽ không khác người tiền nhiệm Theresa May. Chỉ có điều là bà May phải ra đi vì Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU trong khi sắp tới Quốc hội Anh, trong đó chủ chốt là Công đảng đối lập cũng có thể sẽ không thông qua Brexit cứng (không có thỏa thuận) theo ý muốn của Thủ tướng Johnson và đảng Bảo thủ của ông.
Vấn đề biên giới
Vấn đề biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland đang là nút thắt của tiến trình Brexit. Ngày 20-8, Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh James Cleverly cho rằng Brexit có hay không có thỏa thuận hiện phụ thuộc chủ yếu vào EU, đồng thời hối thúc EU linh hoạt trong điều khoản về các chốt kiểm soát ở đường biên giới Ireland - Bắc Ireland. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News, ông Cleverly khẳng định vấn đề hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà đàm phán của EU.
Ông này cũng cho biết thêm rằng việc EU khăng khăng giữ lại điều khoản chốt kiểm soát trong thỏa thuận Brexit đã ký kết dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May là trở ngại chính khiến mọi nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận được ủng hộ tại Anh đều thất bại. Ông Cleverly khẳng định Anh sẽ rời EU vào ngày 31-10 tới với bất kỳ giá nào, và việc các nhà đàm phán EU nắm được định hướng này sẽ giúp họ hiểu cần phải làm gì.
Điều khoản điểm kiểm soát là đề xuất của Brussels, đã được Anh và EU đưa vào thỏa thuận Brexit ký kết hồi tháng 11-2018 nhằm tránh khả năng thiết lập một đường biên giới cứng với những điểm kiểm soát hải quan giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) và Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp (từ khi Brexit có hiệu lực 31-10-2019 đến tháng 12-2022).
Tuy nhiên, điều khoản này buộc Anh phải tuân thủ một số quy định của EU cho tới khi hai bên đạt được thỏa thuận thay thế, nhất là về thương mại. Nếu Anh và EU không đạt thêm các thỏa thuận, đến tháng 12-2022 biên giới Ireland và Bắc Ireland sẽ có các chốt kiểm soát hải quan. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến thỏa thuận Brexit không được Quốc hội Anh ủng hộ.