Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chủ tịch, tổng giám đốc 38 ngân hàng thương mại, đại diện Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, các hiệp hội, ngành hàng...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, người dân đã nỗ lực, cố gắng để khắc phục, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó có khó khăn, thách thức về vốn.
Hội nghị hôm nay có tinh thần như hội nghị "Diên Hồng" nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng nêu rõ, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển. Mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, "góp gió thành bão" để đất nước vượt qua khó khăn thì bản thân mỗi người, mỗi chủ thể mới vượt qua khó khăn được, mới có sự phát triển chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, sáng 7-12
Theo Thủ tướng, ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?
Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.
“Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng chúng ta có linh hoạt được không. Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cũng lưu ý, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới nhưng phải vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tình hình Việt Nam, không máy móc.
Thủ tướng lưu ý thêm, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế chúng ta đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế nên hành động phải thận trọng, chắc chắn, bước đi phù hợp, nhưng phải có lộ trình để ngày càng sử dụng công cụ thị trường nhiều hơn là công cụ hành chính, tiến tới thị trường đầy đủ, theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng, cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển; phát huy đoàn kết để cùng đóng góp và cần cả sự hy sinh, nhường nhịn; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa diễn ra ngày 6-12, bên cạnh những kết quả tích cực của nền kinh tế từ đầu năm đến nay, một trong những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức Thủ tướng, Chính phủ chỉ ra, đó là tiếp cận vốn tín dụng, hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023.
Xử lý hiệu quả các tồn tại, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường, nhất là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, lao động... bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình.
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.