Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp Hoa Kỳ

(ĐTTCO) - Vào lúc 21 giờ 35 phút ngày 26-9 (giờ New York, Hoa Kỳ; tức 8 giờ 35 phút ngày 27-9, giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế John F.Kennedy, New York, bắt đầu tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) với chủ đề “Làm cho Liên hiệp quốc gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững”. 
Sáng 27-9 (theo giờ New York), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, do Hội đồng kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) và Tập đoàn FPT tổ chức với chủ đề “Thu hút đầu tư tại Việt Nam trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0”. Đại diện các tập đoàn AIG, SkyPower, GE, AT&T, IBM, MetLiffe, Walmart, Coca Cola, Pepsico, Medtronic, Gilead Sciences.… đã tham dự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khởi sắc, môi trường kinh doanh được cải thiện, với gần 90.000 doanh nghiệp mới được thành lập trong 8 tháng đầu năm 2018, nhiều thủ tục kinh doanh được cắt giảm. Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 26.000 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ USD, là cửa ngõ để tiếp cận thị trường chung ASEAN với dân số 650 triệu người, quy mô GDP trên 2.500 tỷ USD. Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp 4.0” vừa được tổ chức ở Việt Nam được đánh giá là thành công nhất trong 27 năm Diễn đàn WEF được tổ chức tại khu vực ASEAN và Đông Á.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp Hoa Kỳ ảnh 1 Quang cảnh cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp Hoa Kỳ
vào sáng 27-9 (giờ New York). 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế, hợp tác trong các ngành kỹ thuật cao; đánh giá cao vai trò quan trọng và đóng góp thiết thực của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng, hạ tầng, đô thị thông minh, giáo dục - đào tạo... và khẳng định cam kết của Việt Nam tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ, kinh doanh, đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam. 
Tại cuộc tọa đàm, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã thẳng thắn nêu những câu hỏi về vấn đề chính sách ngắn hạn cũng như những năm tới của Việt Nam trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế... Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam là thị trường năng động với nhiều tiềm năng; cảm ơn sự hỗ trợ mà Chính phủ Việt Nam đã dành cho doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua; hoan nghênh chính sách của Chính phủ trong việc kêu gọi đầu tư và tỏ quan tâm đến các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, năng lượng, dược phẩm, giao dịch điện tử, dịch vụ, khởi nghiệp…
Các doanh nghiệp bày tỏ ấn tượng với thành công vừa qua của WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội và đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam coi trọng các chính sách kết nối doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời cho rằng đây là lĩnh vực có thể mở rộng hợp tác với Việt Nam, nhất là kinh tế số, kết nối số, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử… 
Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với ông Phil Falcone, Chủ tịch Quỹ đầu tư tài chính Harbinger và ông Timothy Geithner, nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus. Thủ tướng đánh giá cao Harbinger và Warburg Pincus, hai công ty đầu tư tài chính có tiềm lực lớn, đã mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhất là du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ, thông qua việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ông Phil Falcone và ông Timothy Geithner bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng tại Hoa Kỳ; tin tưởng tiềm năng phát triển của Việt Nam và khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong dài hạn.
Theo chương trình làm việc, trong chiều 27-9 (giờ New York, tức rạng sáng 28-9 giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung Đại hội đồng LHQ khóa 73. Sau đó Thủ tướng có buổi gặp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, bà Maria Fernanda Espinosa Garces và đến cuối ngày sẽ có cuộc gặp Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres; đồng thời có nhiều cuộc tiếp xúc song phương quan trọng với lãnh đạo các nước.
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ khóa 73, tại New York, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì cuộc gặp vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Australia, Ucraina, Slovakia, Slovenia, Uganda, Ecuador và tiếp Phó Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Phát biểu tại buổi vận động với sự tham dự của hơn với hơn 100 lãnh đạo cấp cao, Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ, đại diện các nước thành viên LHQ để vận động ủng hộ Việt Nam ứng cử làm ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc ứng cử vào HĐBA thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, cũng như mong muốn của Việt Nam được đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng khẳng định nếu trúng cử, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác nhằm phòng ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, bảo vệ thường dân trong xung đột và xử lý hậu quả chiến tranh, để xây dựng một nền hòa bình bền vững; đồng thời, tăng cường hợp tác giữa HĐBA với các tổ chức khu vực.

Các tin khác