Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ sẽ có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch

(ĐTTCO) - Sáng 15-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ sẽ có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch

Tìm nguyên nhân "đi trước về chậm"

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị này được tổ chức nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Hội nghị còn nhằm mục đích đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"?

Và hàng loạt câu hỏi được các đại biểu đặt ra như: Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy chuyển đổi số?

Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…

Thủ tướng chia sẻ thông tin, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế…

Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cải cách chính sách visa, tăng cường xúc tiến quảng bá

Báo cáo tình hình ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời điểm tổ chức hội nghị hôm nay đúng tròn 1 năm Việt Nam mở lại thị trường du lịch quốc tế, cùng với việc đẩy nhanh phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Ông Hùng đã nêu ra nhiều kết quả đạt được trong năm 2022 trong đó đáng chú ý là khách nội địa đã vượt 100 triệu lượt. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên là do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm.

Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn. Thứ ba, về sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá. Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Hùng cho rằng cần chú trọng đến các nhiệm vụ, giải pháp như: định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá.

Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại thị trường du lịch; nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.

"Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo", ông Hùng phân tích.

Tại hội nghị lần này, nhiều đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến nhằm chung tay đẩy nhanh phục hồi ngành du lịch. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho rằng trong năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và đạt doanh thu 650.000 tỷ đồng. Đây là con số chúng ta phải quyết tâm đạt được nhưng cũng cần phải có nhiều giải pháp tập trung hơn đối với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày ở Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường, chia sẻ các chính sách visa du lịch của chúng ta cũng đã có những điểm tiến bộ về visa. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, chúng ta phải có những cải cách mạnh hơn nữa.

Ông Trường đề xuất cần nghiên cứu gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.

Đại diện Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) nhấn mạnh đến vấn đề liên kết, quảng bá, khai thác đầu tư và thu hút khách du lịch quốc tế với 5 kiến nghị.

Đầu tiên là kiện toàn Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch nhằm tăng cường sự chỉ đạo của Chính phủ, sự liên kết, phối hợp của các bộ, ngành để nhanh chóng phục hồi, phát triển ngành du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ 2, cần sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá quốc tế quy mô lớn, trong đó cụ thể là chiến lược Maketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được ban hành vào đầu tháng 3-2023 một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và với ngân sách tương ứng.

Thứ 3, cần tập trung đẩy mạnh quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch dành cho khách quốc tế trên cơ sở liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp như lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác lớn, địa phương.

Thứ 4, cần tiếp tục tăng cường vai trò đại diện của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia.

Cuối cùng, cần duy trì và tăng cường công tác truyền thông chính sách, liên tục cập nhật tin tức, sự kiện quan trọng, chính sách mới nhất liên quan đến du lịch Việt Nam như chính sách, thủ tục về xuất nhập cảnh.

Các tin khác