1. Đã 2 tháng 12 ngày bà Dương nhận được tin con trai mất, nhưng đến nay bà vẫn còn bàng hoàng, chưa dám tin vào sự thật.
Đầu tháng 6-2021, khi dịch Covid-19 chuyển biến phức tạp, nhiều ca mắc xuất hiện trong cộng đồng, kèm với đó là các khu vực bị phong tỏa, cách ly. Thấy địa phương cần người tình nguyện hỗ trợ, Đạt xin phép ba mẹ cho mình được tham gia cùng phường để phụ giúp các anh chị, cô chú.
“Tối đó, trong bữa cơm, nó xin phép tôi với ổng cho nó đi. Nó nói, con chỉ đi phụ khuân vác rau củ, gạo, trái cây, với ra trực các chốt, không có gì nguy hiểm nên ba mẹ yên tâm. Sáng đó đi, nó còn nói: Thưa ba mẹ, con đi. Từ hôm đó, nó chưa về nhà ngủ được đêm nào. Tôi có ngờ đâu, nay con về là nằm gọn trong tay đồng đội”, bà Dương đưa tay lau dòng nước mắt.
Dịch bệnh bùng phát, công việc tại các địa phương cũng tăng lên. Đạt cùng đồng đội và cán bộ tại địa phương vừa căng mình chống dịch, vừa tổ chức tốt các hoạt động chăm lo an sinh xã hội. Vốn dĩ Đạt từng tham gia tình nguyện dân quân thường trực khi học xong lớp 12, nên rất quen thuộc với công việc hỗ trợ người dân tại địa phương.
Đạt ít khi về nhà, vì sợ mình mang mầm bệnh sẽ lây cho người thân. Nhưng hàng ngày, ngồi ở cửa hàng tạp hóa nhỏ trước cửa nhà, bà Dương vẫn thấy con chạy xe máy qua lại. Khi thì bà thấy Đạt chở thực phẩm đầy cả xe đến điểm phân phát, khi lại thấy Đạt trong bộ đồ bảo hộ chở y bác sĩ, quân y đến các điểm tiêm.
“Không có gặp mặt trực tiếp, nhưng thấy con chạy qua lại, khỏe mạnh là tôi mừng trong bụng. Có khi cô út nó đi ngang thấy nó trực ở chốt, về có kể tôi với ba nó nghe. Cả nhà cũng an tâm khi con vẫn an toàn, nào ngờ…” bà Dương bỏ lửng câu nói, đưa mắt nhìn lên bàn thờ, nơi có di ảnh con trai bà đang cười.
2. Trước khi mất 1 tuần, Đạt có tạt về nhà để chở ba đi tiêm vaccine. Đó cũng là lần cuối cả nhà được gặp mặt nhau. Theo lời bà Dương, sau đó 2 ngày, qua điện thoại, hay tin mẹ mệt, Đạt có hứa sáng hôm sau sẽ về chở mẹ đi khám bệnh. Nhưng sáng đó, Đạt điện thoại về cho bà Dương, nói con phải lên quận để phụ việc gấp.
“Có lẽ khi ấy nó biết mình mắc Covid-19 mà không dám nói, sợ tôi với ổng lo. 2 ngày sau, tôi có điện thoại thăm, nhưng con không nghe máy. Ba nó la tôi đừng điện thoại hoài, để con làm việc và nghỉ ngơi. Tôi có ngờ đâu, khi ấy là lúc con chuyển nặng, không thể nghe điện thoại của mình”, bà Dương nhớ lại.
Trong cuộc chiến với dịch Covid-19 vừa qua, đã có nhiều hy sinh, mất mát to lớn xảy ra. Bà Dương từng thấy, nghe những người trong khu phố mắc Covid-19, đi điều trị ở bệnh viện rồi cũng được về nhà. Đạt còn trẻ, có sức khỏe nên bà không nghĩ con không qua khỏi.
Điều khiến bà Dương và chồng tiếc nuối chính là không thể an ủi, động viên con khi Đạt mắc bệnh và qua đời. Với gia đình bà Dương, nỗi đau mất con quá lớn, nhưng nghĩ đến Đạt vì làm việc tốt cho xã hội, người dân mà phải hy sinh, bà Dương cũng nguôi ngoai phần nào.
Ngồi trầm ngâm nhìn xa xăm, ông Nguyễn Văn Hội, ba Đạt từ tốn: Nó hiền, ngoan, hòa đồng nên ai cũng mến. Tụi nhỏ trong xóm này thấy nó đi về nhà là bu lấy. Lúc Đạt mất, nhiều đồng đội, bạn bè từ thời học cấp 2 cũng đến thắp nén nhang đưa tiễn. Được cái, nó mà hứa với ai chuyện gì thì sẽ thực hiện cho bằng được.
Vậy mà lời hứa lúc giao thừa với tôi “Ba ơi, năm nay con học xong cao đẳng, ra trường con xin phép ba mẹ cho con cưới vợ để trong nhà có thêm người chăm sóc ba mẹ” mà nay nó không thực hiện được. Có lần Đạt điện thoại nói sẽ về nhà ngủ một đêm “cho đã”, nay thì Đạt đã về nhà, nhưng với giấc ngủ triền miên.
Theo đồng chí Huỳnh Văn Dự, Bí thư Đảng ủy phường Tân Tạo (quận Bình Tân), quá trình tham gia tình nguyện phòng chống dịch tại địa phương, chiến sĩ dân quân Nguyễn Thành Đạt luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bất kỳ nhiệm vụ nào được giao cũng cố gắng hoàn thành, dù đó là việc khó, hay nặng nhọc. |