“Theo Lotte GRS và Lotte Holdings, chuỗi cửa hàng bánh hamburger Lotteria ở nước ngoài đang phải ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19. Văn phòng ở nước ngoài của Lotte GRS tại Indonesia hiện đang được thanh lý. Các thương hiệu nhượng quyền của Lotteria tại Việt Nam đều đã ngừng hoạt động và trụ sở chính tại Seoul đang xem xét khả năng đóng cửa hoạt động kinh doanh trong năm nay” - Korea Times viết.
Ngay sau đó, đơn vị quản lý Tập đoàn Lotte tại Việt Nam đã lên tiếng phản bác thông tin trên. Một đại diện của Lotteria Việt Nam nói với báo chí Việt Nam rằng do “sự hiểu nhầm thông tin từ báo chí Hàn Quốc”, và họ đang làm việc với công ty mẹ tại Hàn Quốc để làm rõ chiến lược mới của tập đoàn.
Trước phản bác này, ngày 18-4, tờ Korea Times đã đăng cải chính của một quan chức Lotte GRS, cho biết hoạt động kinh doanh thực phẩm và bán lẻ của họ tại Việt Nam đang gặp khó khăn do việc xây dựng cơ sở bị tạm dừng, và việc nhập khẩu thiết bị bị đình trệ do đại dịch Covid-19, nhưng chuỗi nhà hàng vẫn sẽ duy trì hoạt động.
Trong khi Lotte “dùng dằng nửa ở nửa về”, thì SK Group, tập đoàn lớn thứ ba của Hàn Quốc, lại đang đầu tư vào chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam để tiếp cận nhiều hơn với thị trường được xem là tiềm năng này.
Người phát ngôn của SK cho biết tập đoàn đã trả 410 triệu USD cho 16,3% cổ phần của VinCommerce vào ngày 6-4; mua cổ phần từ tập đoàn Masan Group của Việt Nam, công ty có cổ phần kiểm soát tại VinCommerce (SK Group đã nắm giữ 9,5% cổ phần tại Masan từ năm 2018).
Theo giới chuyên gia, thức ăn nhanh (fast food) là một trong những ngành đầy hứa hẹn trên toàn thế giới. Burger King có hơn 16.000 địa điểm tại hơn 100 quốc gia. McDonald’s có 36.000. Tuy nhiên, câu chuyện ở Việt Nam lại khác. Năm 2014, McDonald mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, có 17 cửa hàng tại đất nước 90 triệu dân này.
Năm 2011, Burger King tiếp nối và hiện chỉ có tổng cộng 13 cửa hàng. Đây là những con số khác xa mong đợi của các doanh nghiệp. Theo trang Best Price Travel, có 4 lý do để giải thích điều này.
Thứ nhất, dịch vụ thức ăn nhanh của phương Tây không nhanh bằng các món ăn ở Việt Nam. Nếu gọi món ăn của KFC, Pizza Hut hay McDonald là thức ăn nhanh, thì thức ăn đường phố Việt Nam như bánh mì, phở, xôi là thức ăn chớp nhoáng (flash food). Một món phở của Việt Nam có thể chỉ cần vài giây là xong. Bánh mì thì càng nhanh hơn.
Thứ hai, giá fast food quá cao. Người Việt Nam chi khoảng 2USD hoặc ít hơn cho một bữa ăn, trong khi thức ăn nhanh có giá khoảng 5USD. Bên cạnh đó, đồ uống trong các cửa hàng thức ăn nhanh như Coke không hấp dẫn được thực khách Việt Nam. Người dân địa phương có thể có cả hai loại thực phẩm có kích thước gấp đôi kèm đồ uống yêu thích với một nửa giá.
Thứ ba, người Việt Nam không chuộng đồ ăn nhanh. Ngày nay, ngày càng nhiều người Việt Nam quan tâm đến sức khỏe của mình hơn bất kỳ đối tượng nào khác như giàu có hay thành đạt. Họ có xu hướng chọn thực phẩm lành mạnh với hàm lượng chất béo và cholesterol thấp hơn. Họ thích thực phẩm hữu cơ, rau.
Thứ tư, người Việt Nam đến nhà hàng không chỉ để ăn mà còn để gặp gỡ mọi người. Ăn trong một nhà hàng địa phương cho phép họ tương tác với người bán hoặc khách hàng khác. Khi dùng bữa, họ có thể nói chuyện, cười đùa, chia sẻ thức ăn hoặc nhìn mọi người qua lại trên phố. Nhà hàng thức ăn nhanh thì khác, bầu không khí mang tính cá nhân hơn.
Nhưng theo Best Price Travel, những điều trên không có nghĩa là đồ ăn nhanh không thể tồn tại lâu ở Việt Nam. Cơ hội phát triển thức ăn nhanh ở Việt Nam còn rất nhiều. Giới trẻ đang thay đổi thói quen ăn uống tại các nhà hàng ăn nhanh ở những địa điểm hấp dẫn với thiết kế hiện đại, độc đáo để hẹn hò, tụ tập, thậm chí là tiệc sinh nhật, kỷ niệm.