Quy định này nhằm giúp hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thuận lợi, hiệu quả. Thực tế, nơi nào thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với người dân sẽ giải quyết tốt nhiều vấn đề xung đột giữa chính quyền với người dân.
Tại TPHCM sau khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND 24 quận/huyện đẩy mạnh tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Luật Tiếp công dân, nghiệp vụ công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cho các đối tượng cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và viên chức khác. Trong 3 năm thực hiện, TP đã tổ chức tiếp 135.243 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó cấp TP tiếp công dân 9.570 lượt; cấp sở ngành 14.060 lượt; cấp quận, huyện 71.700; cấp xã phường, thị trấn 39.913 lượt.
Tại Hội nghị tổng kết 3 năm Luật Tiếp công dân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng, cho biết tình hình khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai nhiều nơi phức tạp, nhưng những nơi nào lắng nghe, gặp gỡ đối thoại với dân sẽ giải quyết nhiều vấn đề căng thẳng.
Qua công tác tiếp công dân vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đã từng bước được nâng cao, đặc biệt là tăng cường đối thoại trực tiếp, công khai với công dân để lắng nghe và kịp thời giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Với nỗ lực đó đã giải quyết kịp thời các trường hợp phát sinh, đồng thời giải quyết dứt điểm đối với những trường hợp khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài; góp phần làm giảm số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân và đơn thư vượt cấp.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, thi hành Luật Tiếp công dân cũng còn một số tồn tại hạn chế, như các cấp các ngành chưa có sự quan tâm đúng mức về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân; thủ trưởng các cấp, cách ngành chưa thực hiện đầy đủ quy định về chế độ tiếp công dân của người đứng đầu, việc giải quyết đơn thư còn chậm về thời gian.
Việc thực hiện thi hành cũng có những khó khăn như số đối tượng có hành vi quá khích, lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo trương biểu ngữ, thái độ kích động, lợi dụng quyền khiếu nại gây cản trở hoạt động bình thường của trụ sở tiếp công dân, công tác phối hợp của lực lượng bảo đảm an ninh trật tự chưa đạt hiệu quả; một số cán bộ công chức tại các cơ quan chức năng chưa quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, chưa nắm vững các quy định hiện hành, thiếu nghiên cứu hồ sơ vụ việc...
Phát huy những mặt tích cực và khắc phục những tồn tại để công tác tiếp dân của TPHCM thực chất và hiệu quả hơn, là vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong tình hình mới hiện nay. Bởi lẽ, hiện nay hầu hết cấp chính quyền đều có lịch lãnh đạo tiếp công dân theo định kỳ, tiếp nhận và đối thoại với người dân nhiều vấn đề bức xúc như ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước, quy hoạch treo… nhưng không phải nội dung nào cũng được giải quyết ngay, có khi kéo dài quá lâu.
Vì thế, quan trọng hơn là sau các cuộc đối thoại đó, các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề người dân đặt ra như thế nào.