62/63 tỉnh có công chức gây phiền hà, sách nhiễu
Theo kết quả Par Index, Ngân hàng Nhà nước đứng đầu 17 bộ, ngành; tiếp theo là Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp. Trong 7 năm đánh giá CCHC theo chỉ số Par Index, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần trong tốp 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu. Đứng cuối bảng xếp hạng là Bộ GTVT, năm thứ hai liên tiếp bộ này “đội sổ” trong CCHC. Đáng chú ý, 16/17 bộ ngành có chỉ số CCHC tăng hơn so với năm 2018; riêng Bộ Công thương thấp hơn so với năm 2018 là 0,02%.
Tính theo địa phương, Quảng Ninh đứng đầu cả nước, tiếp đến là Hà Nội, Đồng Tháp, Hải Phòng, Long An…, tỉnh đứng cuối cùng là Bến Tre. Theo đánh giá chung, năm 2019, Par Index cấp bộ và cấp tỉnh đều có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2018. Sự chênh lệch điểm số giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối bảng xếp hạng đã giảm dần qua các năm.
Người dân thao tác dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận 1 cửa của UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ảnh: QUANG PHÚC
Ảnh: QUANG PHÚC
Về Sipas 2019, 3 tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; 3 tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng. Năm 2019, 10 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chưa đạt yêu cầu, 20 tỉnh ở mức trung bình, 27 tỉnh khá và 6 tỉnh tốt. Trong 3 cấp hành chính, cấp huyện nhận được mức hài lòng cao nhất (85,53%), cấp tỉnh thấp nhất (83,35%). Trong số 16 lĩnh vực dịch vụ thì lĩnh vực giao thông vận tải nhận được mức hài lòng cao nhất (88,45%) và lĩnh vực đất đai, môi trường thấp nhất (79,06%).
Tuy nhiên, Sipas 2019 cho thấy, 63/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần; 62/63 tỉnh xảy ra trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; 62 tỉnh trễ hẹn đều thực hiện không nghiêm quy định về thông báo, xin lỗi về việc trễ hẹn đối với người dân, tổ chức; 62/63 tỉnh có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 46/63 tỉnh có công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí. Đáng chú ý, 1,41% số người dân, tổ chức được hỏi trong cả nước cho rằng công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc; 0,47% cho rằng công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí.
Rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức; coi công tác CCHC là khâu có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, cần đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tốt việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% giai đoạn năm 2015 - 2021; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Song song đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, khơi thông nguồn lực kinh tế. Thời hạn là đến tháng 6 phải hoàn thành việc gửi nhận văn bản điện tử tại 4 cấp chính quyền, nâng tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng.