Thúc đẩy tiến độ các dự án đường sắt gói 7.000 tỷ đồng

(ĐTTCO)-Gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020 cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam gồm 4 dự án cấp bách.
Thúc đẩy tiến độ các dự án đường sắt gói 7.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải vừa có các văn bản yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án đường sắt gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, với sự nỗ lực của các Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu, đến nay, đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh-Nha Trang, được chủ đầu tư nghiệm thu hoàn thành 4 trong tổng số 7 gói thầu (gói thầu số 9, 10, 22, 23); gói thầu số 12 đã thi công hoàn thành cơ bản trừ phần phát sinh bổ sung sửa kiến trúc tầng trên đường sắt trong hầm.

Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đã được chủ đầu tư nghiệm thu hoàn thành 10/11 gói thầu (trừ cầu Hàm Rồng, cầu Hiệp Mỹ Km1375+077, cầu Ba Chân Km1228+912, cầu Rạch Cát Km 1699+245).

Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án Hà Nội-Vinh), đến nay các hạng mục công trình, gói thầu (trừ các hạng mục vướng mắc mặt bằng và liên quan đến hệ thống thông tin tín hiệu) đoạn Hà Nội-Vinh đã cơ bản hoàn thành và được chủ đầu tư nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả dự án.

Tuy nhiên, đến nay các dự án còn có một số hạng mục công trình, gói thầu chậm tiến độ, chưa hoàn thành. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; trong đó có việc công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương chậm. Một số gói thầu chủ đầu tư chưa phối hợp hiệu quả, quyết liệt với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về giải phóng mặt bằng.

Các Ban quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác chỉ đạo xử lý kỹ thuật tại hiện trường, chưa kịp thời xử lý các nhà thầu chậm tiến độ; năng lực thi công của một số nhà thầu còn hạn chế.

Để hoàn thành các công việc còn lại theo kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án 85 phối hợp chặt chẽ với địa phương để sớm bàn giao mặt bằng còn lại theo tiến độ đã cam kết: Các ga Xuân Sơn Nam, Tam Thành, Đông Tác; Các hạng mục đường gom thuộc thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), thành phố Đà Nẵng...

"Cần có giải pháp cứng rắn để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo đúng các quy định của pháp luật, nếu cần phải thực hiện cưỡng chế. Đồng thời, linh hoạt trong việc áp dụng một số giải pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng như phương án tạm cư, hỗ trợ địa phương trong việc di dời nhà..." - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.

Cụ thể, đối với hàng rào đường gom Km775+527-Km775+875, đề nghị địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công. Trường hợp đến 30/6/2022 vẫn không có mặt bằng, Ban Quản lý dự án 85 xem xét dừng các hạng mục này và bàn giao lại cho địa phương.

Thuc day tien do cac du an duong sat goi 7.000 ty dong hinh anh 2
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tương tự, đối với các hạng mục đường gom, nhà ga... thuộc địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội) và tỉnh Nam Định thuộc Dự án Hà Nội-Vinh, Ban Quản lý dự án đường sắt tích cực làm việc với địa phương để tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng.

Trường hợp quá hạn mà địa phương không bàn giao mặt bằng, Ban Quản lý dự án đường sắt báo cáo Bộ Giao thông Vận tải dừng thực hiện các hạng mục đường gom này và bàn giao cho địa phương.

Trong công tác tổ chức thi công, trên cơ sở khối lượng các hạng mục còn lại, các nhà thầu phải hoàn thành, lập tiến độ thi công chi tiết kèm theo nhu cầu máy móc thiết bị thi công, nhân vật lực trình tư vấn giám sát, Ban quản lý dự án chấp thuận; khẩn trương huy động đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị để triển khai thi công đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ được chấp thuận; tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Ban Quản lý dự đường sắt, Ban Quản lý dự án 85 phải tăng cường hơn nữa công tác điều hành dự án, chủ động thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư trong việc quản lý thực hiện dự án; kịp thời xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh, nghiệm thu, thanh toán, đảm bảo tiến độ thi công yêu cầu.

"Trên cơ sở tiến độ thi công được chấp thuận, tổ chức theo dõi hàng ngày, hàng tuần việc triển khai thực hiện của các nhà thầu, yêu cầu các nhà thầu có biện pháp khắc phục các công việc chậm trễ; kiên quyết và kịp thời xử lý đối với các nhà thầu chậm tiến độ theo quy định," Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu tư vấn giám sát nâng cao vai trò, trách nhiệm để thực hiện tốt công tác giám sát, quản lý chất lượng, tiến độ thi công theo quy định hợp đồng; kịp thời xử lý kỹ thuật, nghiệm thu các hạng mục công trình đáp ứng tiến độ; kiểm soát chặt chẽ nguồn, chất lượng vật liệu đưa vào công trình, công tác tổ chức thi công đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Cùng với đó, kiểm tra hệ thống biển báo, cảnh báo chạy tàu, thi công..., rà soát biện pháp an toàn thi công, an toàn chạy tàu công trình để đảm bảo tuyệt đối an toàn thi công và chạy tàu cả ngày lẫn đêm.

Gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020 cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam gồm 4 dự án cấp bách.

Ban Quản lý dự án đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 3 dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang-Sài Gòn.

Ban Quản lý dự án 85 được giao làm chủ đầu tư một dự án: dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh-Nha Trang.

Mục tiêu nhằm nâng nhằm nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách từ 80-90km/h, tàu hàng từ 50-60km/h; từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng từ 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng từ 1,5-1,6 lần.

Các tin khác