Thực phẩm, hàng tiêu dùng thu hút đầu tư

Kinh tế khó khăn, nhưng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu không thể dừng lại. Đó là lý do lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng gần như không ảnh hưởng nhiều trong năm 2011. Theo dự báo của các chuyên gia, đây sẽ là điểm sáng thu hút đầu tư trong năm 2012.

Kinh tế khó khăn, nhưng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu không thể dừng lại. Đó là lý do lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng gần như không ảnh hưởng nhiều trong năm 2011. Theo dự báo của các chuyên gia, đây sẽ là điểm sáng thu hút đầu tư trong năm 2012.

Miếng ngon nhiều người thèm

Tại buổi giao lưu giữa DN Việt Nam và Hàn Quốc tháng 7-2011, ông Sung Ho Kong, Quyền Giám đốc Trung tâm Asean - Hàn Quốc, cho hay lĩnh vực chế biến thực phẩm của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Nhìn thấy tiềm năng từ hơn 86 triệu dân có nhu cầu thực phẩm chất lượng cao, nhiều DN Hàn Quốc đã lên kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm tại nước ta. Hiện Hàn Quốc đứng thứ 2 về số vốn đầu tư vào Việt Nam (khoảng 23 tỷ USD), nhưng chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp nặng và chế tạo, còn thực phẩm chính là khoảng trống mà DN nước này muốn lấp đầy.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến ngành hàng thực phẩm đã có thương hiệu của Việt Nam. Ảnh: V. DŨNG

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến ngành hàng thực phẩm
đã có thương hiệu của Việt Nam. Ảnh: V. DŨNG

Theo nghiên cứu thị trường của một số tổ chức quốc tế có uy tín như Research and Markets, Companiesandmarkets, tiềm năng khi đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam rất lớn. Hiện nay, ngay cả các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng đang chuyển hướng đầu tư sang một số lĩnh vực khác ngoài bất động sản như thực phẩm, hàng tiêu dùng, y tế, giáo dục…

Đây là  những lĩnh vực được đánh giá ít bị ảnh hưởng trước những biến động của kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Nhìn vào danh mục đầu tư của Vinacapital có thể thấy những cái tên mới như Yến Việt, Café Thái Hòa, Bảo vệ thực vật An Giang, nhà máy sản xuất mía đường tại Campuchia.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, sau khi thoái vốn khỏi Vinacafé Biên Hòa, Vinacapital thu được một khoản lợi nhuận đáng kể. Chia sẻ về mối quan tâm đến các lĩnh vực tiêu dùng, thực phẩm, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, cho hay: “Thời gian tới Dragon Capital sẽ ưu tiên đầu tư vốn vào những ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng, dịch vụ phần mềm…”.

Nhanh chân mua cổ phần

Trên thực tế, bên cạnh đầu tư mới, việc mua lại cổ phần của những tập đoàn có tên tuổi như Masan, Vinamilk, Kinh Đô… đang trở thành đích ngắm của các nhà đầu tư cá nhân hay các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Có thể kể đến những thương vụ mua bán tại CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer).

Vào tháng 4-2011, quỹ đầu tư Hoa Kỳ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) quyết định mua lại 10% cổ phần (trị giá 159 triệu USD) của Masan. Đây là vụ đầu tư đầu tiên của quỹ này tại Việt Nam và là thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) công ty tư nhân lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc KKR mua cổ phần của Masan Consumer là hoàn toàn có cơ sở. Hồi tháng 9-2011, Quỹ PENM II (trực thuộc BankInvest, công ty quản lý quỹ đầu tư của Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam) đã bán ra 4 triệu cổ phiếu của Masan với tổng giá trị hơn 600 tỷ đồng.

Thương vụ này đã mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho quỹ này. Hiện danh mục đầu tư của BankInvest vào lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng, bán lẻ… đã hơn 10 thương vụ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập nhận định: Những công ty thuộc các ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm có hệ thống quản lý bài bản, tốc độ tăng trưởng đều và biết cách làm thương hiệu tương tự Masan sẽ trở thành đích ngắm của các quỹ đầu tư trong năm 2012.

Một “con gà đẻ trứng vàng” khác được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài dòm ngó là  CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Tính đến hết tháng 9-2011, dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng là 34,8% và 10,1%.

Để có được kết quả như vậy, ngoài việc không ngừng mở rộng đầu tư, Vinamilk cũng được đánh giá rất chịu chi cho các hoạt động tiếp thị và làm thương hiệu.

Tất cả yếu tố đó đã tạo nên sức hấp dẫn của DN này đối với các quỹ đầu tư nước ngoài. Hiện có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ - trong đó có Dragon Capital - đang nắm giữ cổ phần của Vinamilk.

Dù các dự báo cho thấy nền kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2012, nhưng những động thái trên cho thấy ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng của Việt Nam vẫn nóng và sẽ thu hút mạnh đầu tư.

Các quỹ đầu tư nước ngoài luôn nhạy bén trong việc chuyển hướng đầu tư, những lĩnh vực được các quỹ này tham gia mạnh mẽ thường được xem như chỉ báo hứa hẹn mang về lợi nhuận.

Các tin khác