Thực phẩm nội giữ thương hiệu

(ĐTTCO) - Tại triển lãm quốc tế về thực phẩm và đồ uống Việt Nam năm 2017, các gian hàng quốc tế đều gia tăng về quy mô. 
Thực phẩm nội giữ thương hiệu
Đến thời điểm này (tức còn khoảng 1 tuần nữa triển lãm chính thức diễn ra) nhưng vẫn còn nhiều đơn vị muốn tham gia. Như Ấn Độ muốn ban tổ chức sắp xếp cho gian hàng lớn 90-180m2 nhưng không còn chỗ phải sắp ra ngoài sảnh với diện tích nhỏ hơn. Theo ban tổ chức, 100% DN nước ngoài khi tham gia triển lãm đều nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm và nghiên cứu thị trường Việt Nam. 

Việc DN nước ngoài quan tâm đến thị trường thực phẩm và đồ uống do quy mô ngành này của Việt Nam khá hấp dẫn. Chỉ tính riêng ngành thực phẩm chế biến đã có quy mô lên tới 4 tỷ USD. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế ổn định là nền tảng cho sự tăng trưởng bùng nổ của ngành thực phẩm và đồ uống khi ngành này chiếm khoảng 15% tổng GDP và đang trong xu hướng tăng lên trong thời gian tới. 

Nắm bắt tiềm năng này, nhiều DN ngoại đã chọn con đường tiến vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức thâu tóm DN nội. Vào tháng 5 năm nay, CTCP Thực phẩm Cầu Tre đã đổi tên thành Công ty Thực phẩm CJ Cầu Tre. Việc đổi tên xuất phát từ việc CJ Cheiljedang Corporation (CJCJ) - một công ty con chuyên về thực phẩm và công nghệ y sinh của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) - trở thành cổ đông lớn nhất, chiếm hơn 71% cổ phần của DN này. Trước đó, CJ cũng chi ra khoảng 300 tỷ đồng để mua hơn 64% cổ phần Công ty Thực phẩm Minh Đạt. Ngay trước các cuộc thâu tóm của CJ, Tập đoàn Daesang, Hàn Quốc cũng hoàn tất thương vụ mua lại 100% cổ phần xúc xích Đức Việt, một thương hiệu có tiếng tại khu vực phía Bắc… 

Nhìn nhận vấn đề này, nhiều chuyên gia trong ngành thực phẩm chia sẻ cảm thấy tiếc nuối nhưng đây là cuộc chơi nằm trong cơ chế thị trường buộc phải chấp nhận. Thị trường chứng kiến nhiều cuộc chuyển giao của các DN đang phát triển tốt và có thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng. Bức tranh này phản ánh ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam đang có tiềm năng phát triển lớn không chỉ trong nội địa mà còn ra thị trường ASEAN. 

Thực tế, xét về năng lực cạnh tranh Việt Nam cũng có nhiều tập đoàn và DN lớn đủ sức cạnh tranh với các DN ngoại trong mảng thực phẩm, như Kido, PAN group, Masan, Vissan… Cụ thể, sau khi chuyển nhượng toàn bộ mảng bánh kẹo trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Mondelez International vào tháng 8 năm ngoái, Kido đã đẩy nhanh chiến lược đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm và gia vị thông qua việc đầu tư vào ngành hàng mới và thâu tóm hàng loạt công ty. Hoặc PAN group  hiện đang tập trung nguồn lực cho 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và thực phẩm. Chỉ trong hơn 1 năm, PAN đã liên tục gia tăng sở hữu tại Thủy sản Bến Tre (ABT), Chế biến thực phẩm Long An (LAF) và Bibica (BBC), đồng thời thành lập PAN Food với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để thực hiện tham vọng này.

Ở một ngách nhỏ trong mảng thực phẩm rộng lớn là trứng và thịt gia cầm, các DN nội cũng đang nỗ lực đầu tư để mở rộng và chiếm lĩnh thị phần. Tiêu biểu như Ba Huân xây nhà máy sản xuất trứng sạch tại Phúc Thọ (Hà Nội) trị giá hơn 110 tỷ đồng. Cũng tại khu vực phía Bắc, CTCP ĐTK Miền Bắc đầu tư tới 800 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất trứng sạch, tiêu chuẩn Nhật Bản tại tỉnh Phú Thọ… Ngay cả Tập đoàn Hòa Phát cũng đang tập trung khá mạnh cho mảng nông nghiệp và thực phẩm. 

Như vậy, trong bối cảnh nhiều DN nội bị mua lại bởi các ông lớn nước ngoài, vẫn có không ít DN muốn gầy dựng, phát triển thương hiệu nội, kiên quyết không chuyển giao. Thế nhưng để làm được điều này ngoài sự nỗ lực của DN, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước không chỉ về vốn mà về nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của DN. Thí dụ, tại TPHCM, mới đây Hội Lương thực, thực phẩm TP đã ký kết hợp tác với UBND TPHCM về việc trao đổi thông tin các chủ trương, chính sách của TP; đồng thời triển khai các chương trình hoạt động mang đến giá trị và lợi ích thiết thực cho DN ngành chế biến lương thực thực phẩm.
Chương trình hợp tác này được cụ thể hóa với những hoạt động thiết thực như tổ chức đối thoại tiếp xúc giữa lãnh đạo TP và DN ngành chế biến lương thực thực phẩm 4 lần/năm; hội thảo và tọa đàm chuyên đề ít nhất 2 lần/năm, cung cấp thông tin phát triển ngành, chính sách hội nhập… 

Các tin khác