Không chỉ là chuyện sức khỏe
Một báo cáo mới của Fitch Solutions (công ty chuyên phân tích thị trường có trụ sở chính tại New York, Mỹ) tiết lộ rằng, “thuế ăn năn” (tạm dịch từ sin tax -sin: tội lỗi, tax: thuế) hiện đang áp dụng cho các sản phẩm như đồ uống có đường và thuốc lá, nhưng sẽ có thể sớm được áp dụng cho sản phẩm thịt trên toàn cầu.
Giống như với đường, việc tiêu thụ quá mức thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường. Dẫn chứng một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc cho thấy, chuỗi thực phẩm của nhân loại chính là “tác giả” của 37% tổng lượng thải khí nhà kính. Do đó, một loại thuế sin tax áp dụng cho các sản phẩm thịt như đã nói trên có thể sẽ đẩy nhanh xu hướng ăn chay và ăn kiêng. Nếu loại thuế này thành công giúp hạn chế tiêu thụ toàn cầu đối với thịt, khi đó lượng khí nhà kính hạn chế được có thể rất lớn. “Chính phủ Mỹ có thể sử dụng giải pháp này thay vì thực hiện các quy định sản xuất môi trường chặt chẽ hơn và nó có thể là giải pháp mang tính toàn cầu để góp phần bảo vệ bầu khí quyển” - báo cáo của Fitch nhận định.
Tuần trước, một liên minh đa Đảng ở Đức cũng đã đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với thịt từ 7% đến 19%, với hy vọng cắt giảm tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đỏ. Một nghiên cứu của Đại học Oxford, cho thấy biện pháp này có thể ngăn ngừa gần 6.000 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm và tiết kiệm gần 850 triệu USD chi phí chăm sóc sức khỏe. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nếu người dân Mỹ không tiêu thụ thịt, lượng khí nhà kính cắt giảm được sẽ tương đương với việc bỏ hẳn 60 triệu xe hơi không lưu thông.
Trên thực tế, các loại thịt thay thế như thịt gia cầm, đạm thực vật, “thịt giả”… đã bắt đầu thay thế dần thịt cừu và thịt bò trên bàn ăn của nhiều gia đình. Một loạt công ty chuyên về thịt thay thế như Beyond Meat đang phất lên và có vẻ như đây sẽ là một xu hướng lâu dài.
Sợ thuế liệu có ngừng ăn thịt?
Sợ thuế liệu có ngừng ăn thịt?
Thuế đường hiện đã được nhiều quốc gia áp dụng như Anh, Mexico và đặc biệt là tại Dubai của UAE với thuế suất cực cao, tới 50%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc đánh thuế đối với đồ uống có đường lên 20% cũng làm giảm mức tiêu thụ khoảng 20%. Nhưng việc áp dụng chính sách tương tự với thịt có vẻ không đơn giản. Liên minh Nông dân Quốc gia Vương quốc Anh đã tuyên bố đánh thuế thực phẩm để đối phó với sự nóng lên toàn cầu là “giải pháp quá đơn giản, không hiệu quả”. Chính bản thân Fitch, trong báo cáo cũng cho rằng “rất khó có khả năng” những người yêu thích món thịt ở Mỹ và Brazil vì thuế tăng mà thay đổi thực đơn và thói quen ăn uống cố hữu.
Cho đến nay, mặc dù 2/3 người Mỹ tuyên bố họ ngừng hoặc hạn chế ăn thịt và 1/3 số người Anh cũng có tuyên bố tương tự, nhưng sản lượng thịt tiêu thụ trên toàn cầu vẫn cao gấp gần 5 lần so với đầu những năm 1960 - từ 70 triệu tấn đến hơn 330 triệu tấn trong năm 2017. Các nước càng giàu càng tiêu thụ thịt nhiều và ngược lại. Trong năm 2013, Mỹ và Australia đứng đầu danh sách các nước tiêu thụ thịt nhiều nhất thế giới, với khoảng 100kg/người, tương đương với khoảng 50 con gà hoặc nửa con bò. Ở hầu hết các nước Tây Âu, con số này vào khoảng từ 80-90kg thịt/người.
Trong khi đó, ở các nước nghèo châu Phi như Ethiopia, trung bình chỉ tiêu thụ 7kg thịt/người/năm, Rwanda 8kg/năm và Nigeria 9kg/năm. Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Brazil đã khẳng định “vị thế đang lên” tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng kinh tế. Trong thập niên 1960, một người Trung Quốc tiêu thụ ít hơn 5kg/năm. Nhưng vào cuối những năm 1980, con số này đã tăng lên 20kg và gần đây đã tăng lên gấp 3 lần, chạm mức 60kg/năm. Tại Brazil, lượng thịt tiêu thụ tăng gần gấp đôi kể từ năm 1990 đến nay.
Chỉ có một ngoại lệ duy nhất trong cuộc khảo sát: Ấn Độ, một phần quan trọng do yếu tố văn hóa và tôn giáo. Mặc dù thu nhập trung bình tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990, hiện 2/3 người Ấn Độ vẫn không ăn thịt và tính bình quân mỗi người chỉ ăn dưới 4kg thịt/năm, mức thấp nhất trên thế giới.
So với thế giới, hiện sản lượng tiêu thụ thịt đỏ và sữa của Việt Nam còn rất thấp, chỉ bình quân 3kg thịt bò và 20 lít sữa/người/năm (chưa kể các loại thịt khác). Trong cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt của Việt Nam, thịt lợn chiếm đa số với gần 71%, thịt gia cầm chiếm 20,4%, thịt gia súc lớn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với 8,6% trong tổng sản lượng thịt các loại. Vì vậy, có lẽ Việt Nam chưa đến lúc cần ăn năn bằng cách đóng “sin tax”.