TS. NGUYỄN PHẠM QUANG TÚ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng):
Suất đầu tư chỉ làm cơ sở tính thuế chưa thuyết phục
Suất đầu tư xây dựng nhà ở được Bộ Tài chính dự kiến đưa vào lấy ý kiến về Luật Thuế tài sản làm cơ sở tính thuế là chưa thuyết phục. Bởi suất đầu tư được Bộ Xây dựng công bố trên toàn quốc có tính đại diện rộng, chưa bao gồm tiền sử dụng đất dự án.
Để đại diện cho đại bộ phận dân chúng phải có điều tra về cơ cấu căn hộ để biết được tại Hà Nội, TPHCM bao nhiêu căn hộ có giá thấp, giá bình dân, giá cao cấp để đưa ra ngưỡng tính thuế tài sản phù hợp. Giá bán căn hộ tại các dự án chung cư bao gồm cả giá đất, giá xây dựng nhà chung cư, nên suất đầu tư còn phụ thuộc vào việc chủ đầu tư sử dụng loại vật liệu cao cấp đắt tiền, có nhiều tầng hầm sẽ đắt hơn, ngược lại suất đầu tư sẽ rẻ hơn.
Có thể Bộ Tài chính đưa ra con số 7,3 triệu đồng/m2 và lấy ngưỡng nhà ở có giá từ 700 triệu đồng trở lên tính thuế tài sản 0,4% chỉ là thí dụ. Ở Hà Nội, TPHCM giá xây dựng có thể 10-11 triệu đồng/m2, còn một số địa phương khác có thể thấp hơn. Việc đưa ra ngưỡng này mang tính chất trung bình để xã hội dễ hình dung về cơ sở tính thuế.
Hơn nữa, cần làm rõ mục đích đánh thuế làm gì, cá nhân tôi thấy nếu mục đích đánh thuế để chống đầu cơ BĐS thì cần đánh thuế từ BĐS số 2 trở lên, còn người dân chỉ có 1 tài sản để ở không đánh thuế. Nếu đánh thuế vì mục đích tăng thu ngân sách, loại thuế nào cũng để tăng thu, phải tính tới khả năng chi trả của người dân, cuộc sống của họ sẽ thế nào và bao nhiêu đối tượng bị ảnh hưởng bởi chính sách. Bởi ngoài tiền sử dụng đất, đất đai hàng năm vẫn đánh thuế đất phi nông nghiệp, khi giao dịch cũng chịu thuế.
Ảnh minh họa.
Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG, Viện Chính sách và Phát triển truyền thông:
Thực thi tốt các chính sách thuế hiện tại
Thuế tài sản chỉ nên đánh vào những người có tài sản. Nếu muốn chống việc găm đất đầu cơ cần loại ra đất nào quá thời hạn xây dựng thì thu những diện tích đất này, không thể đánh cào bằng, không phân biệt. Trường hợp những người có nhà thứ 2, thứ 3 trở đi cho thuê, cần tập trung thu thuế từ phần tài sản cho thuê đó, như vậy sẽ hay hơn là đề xuất ra loại thuế tài sản rất khó khả thi hiện nay.
Lĩnh vực cho thuê tài sản sẽ phát sinh thu nhập, thu nhập này không khó kiểm soát, chỉ cần điều tra và thu được nguồn thuế này sẽ bù đắp cho ngân sách và tạo sự công bằng xã hội. Hiện các cơ quan thuế đang cảm thấy khó khi thu thuế từ những nguồn thất thu thuế này, không thu được nguồn này quay ra tận thu từ những người dân bình thường là không ổn. Thực tế mọi quốc gia đều phải đối mặt với tình trạng trốn thuế. Điều quan trọng nhất là phải thực thi tốt các chính sách thuế hiện tại, nếu cần có thể điều tra một vài vụ trốn thuế lớn để ngăn chặn tình trạng này.
Gốc của vấn đề nằm ở thực tế hiện nay quy hoạch đất đai và quyền thu hồi tài sản đất đai đang do cơ quan nhà nước quyết định. Chi phí đất đai thời gian qua tăng cao, doanh nghiệp và người dân đều bị thiệt vì một nhà đầu tư muốn chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, hay đầu tư vào dự án sử dụng đất đai ở thành phố, cơ quan nhà nước địa phương là người nắm quyền thu hồi đất.
Doanh nghiệp bao giờ cũng phải thông qua chính quyền địa phương để có được quyền sở hữu đất đai, quá trình này thường đẩy giá đất nên cao. Vấn đề thứ hai là giá đất không hoàn toàn theo thị trường, để có được đất đai không chỉ là sự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp phải bỏ chi phí bôi trơn để có được đất, mọi chi phí này đều chạy vào giá nhà, giá căn hộ.
Một dự luật đưa ra quan trọng nhất phải đạt được sự ủng hộ của xã hội, giờ người dân phản đối tăng thuế vì hiện nay chưa tạo cho người dân niềm tin vào hoạt động chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên cao, và sự lãng phí trong đầu tư công còn nhiều. Khi nhà nước chưa chứng tỏ được việc quản lý hiệu quả đầu tư công, chi tiêu công thì rất khó nói đến chuyện tăng thuế. Chính sách muốn hiệu quả phải tạo được sự đồng thuận của người dân.
LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico:
LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico:
Cân nhắc kỹ mức thuế, đối tượng chịu thuế
Thuế tài sản là cần thiết, hợp lý phải đánh, vấn đề là đánh vào thời điểm nào, đối tượng nào. Nếu sắc thuế này hướng tới tầng lớp trung lưu trở lên, đánh cao lên một chút vẫn hợp lý. Thực ra ngay từ năm 1991, đã có chủ trương thu thuế nhà, thuế đất nhưng dư luận phản đối nên Quốc hội đã dừng lại không thu thuế nhà, chỉ thu thuế đất.
Nhưng nếu ngưỡng tính thuế với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng theo giá thị trường thì không ổn, vì như vậy gần như mọi người dân thành phố đều bị đánh thuế, trong đó có người nghèo, người nghỉ hưu, mức thu nhập không đủ sống cũng bị đánh thuế. Trong khi mặt bằng sống của ta đang rất khó khăn.
Về thời điểm đánh thuế tài sản, khi nào người dân đã đạt được mục tiêu phát triển nhà ở, như mục tiêu của Chính phủ khoảng 25m2 nhà ở/ người, việc đánh thuế là phù hợp. Hiện nay, người dân mới cải thiện điều kiện ở, diện tích nhà ở theo đầu người còn thấp, dù được cải thiện trong vài năm gần đây, đánh thuế lúc này sẽ chặn đứng quá trình phát triển nhà ở cho người dân.
Người có tiền sẽ không bỏ tiền đầu tư phát triển nhà ở, người đầu tư nhà ở cho thuê cũng không đầu tư nữa, người thu nhập thấp càng khó mua nhà vì nguồn cung ít dần. Nên cần cân nhắc kỹ mức thuế, đối tượng chịu thuế.