Giật mình nợ thuế tiền tỷ
Những ngày gần đây, câu chuyện một cá nhân kinh doanh theo phương thức tiếp thị liên kết (affiliate) thực nhận 1,8 tỷ đồng, nhưng nợ thuế tới 5,1 tỷ đồng, đang gây xôn xao trong cộng đồng những người làm tiếp thị liên kết nói riêng và kinh doanh trên nền tảng TMĐT nói chung. Theo đó, cá nhân này được một sàn TMĐT trả thù lao 20 tỷ đồng, sau khi sàn khấu trừ 10% thuế còn nhận về 18 tỷ đồng.
Sau đó người này tiếp tục chi trả các khoản cho nhân sự, thuê công cụ tạo nội dung, chạy quảng cáo… cuối cùng chỉ nhận về 1,8 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi tra thông tin quyết toán thuế trên app eTax Mobile của ngành thuế, người này phát hiện mình đang nợ thuế lên đến 5,1 tỷ đồng.
Một vụ việc tương tự khác cũng được chia sẻ là một người nhận 6 tỷ đồng sau khi làm tiếp thị liên kết, cũng phát hiện bản thân phải đóng thuế thu nhập cá nhân hơn 1,5 tỷ đồng. Con số này thoạt nhìn người đóng thuế vẫn có lợi, nhưng cũng như cá nhân nhận 18 tỷ đồng ở trên, nếu trừ đi các chi phí đã đầu tư người này không lãi thậm chí còn lỗ.
Nguyên nhân của những vụ việc cá nhân có doanh thu khủng nhưng đóng thuế cũng cực khủng, là bởi sàn kê khai những người làm tiếp thị liên kết theo dạng làm công ăn lương, và cơ quan thuế đã áp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với mức điều tiết cao nhất lên tới 35%.
Từ câu chuyện này nhìn ra được 3 vấn đề. Thứ nhất là vai trò của sàn TMĐT. Trong khi đó trả lời trên báo chí, phía Shopee cho rằng trách nhiệm sau cùng vẫn là của đối tác và cơ quan thuế. Việc sàn khấu trừ 10% thu nhập trước khi trả cho cá nhân là phù hợp quy định.
Nếu xét về quy định sàn không sai, vì họ am hiểu pháp luật, nhưng nếu xét về trách nhiệm với những người kinh doanh trên sàn nói chung và người kinh doanh tiếp thị liên kết nói riêng thì chưa tròn. Sàn cần có những thông tin chi tiết hơn để người kinh doanh nắm rõ, do hình thức tiếp thị liên kết vẫn còn khá mới.
Thứ hai là trách nhiệm tìm hiểu của chính những người tham gia. Sau những câu chuyện thực tế trên mới thấy các cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh tiếp thị liên kết vẫn khá mơ hồ về các quy định thuế. Bởi nếu những cá nhân này đăng ký hộ kinh doanh/doanh nghiệp, mức thuế đã nhẹ hơn rất nhiều.
Tất nhiên cũng không loại trừ khả năng một vài cá nhân nghĩ rằng, không đăng ký hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp thì chỉ cần khấu trừ 10% với sàn, sau đó có thể né thuế và bỏ túi những khoản thu nhập khủng.
Thứ ba là vấn đề của ngành thuế. Hiện ngành thuế đang ngày càng siết chặt hơn trong quản lý thuế trên nền tảng TMĐT, những cá nhân có thu nhập khủng đã không thể ẩn mình né thuế. Thậm chí sau những vụ việc đình đám không ít người còn tự động kê khai vì sợ cảnh bị truy thu và phạt do chậm nộp. Song mọi thứ dường như vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, quản lý thuế TMĐT không hề đơn giản như chỉ vài câu chuyện truy thu lâu lâu xuất hiện.
Đừng gỡ nút thắt bằng đề nghị cũ
Ngay tại cuộc Hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số”, nhiều đại biểu cũng phải thừa nhận việc quản lý thuế trong nền kinh tế số có rất nhiều thách thức, nhất là quản lý các cá nhân kinh doanh, có những người doanh thu rất lớn nhưng chưa kê khai, nộp thuế. Nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra tại hội thảo này, trong đó có đề xuất sửa luật theo hướng sàn TMĐT sẽ nộp thuế thay cho các cá nhân bán hàng trên sàn.
Thực tế đề xuất này không mới, giữa năm 2022 việc này đã từng được đưa ra lấy ý kiến, nhưng cả phía hiệp hội cũng như các sàn TMĐT đều không đồng tình. Bởi lẽ các sàn chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, chứ không phải đơn vị trả thu nhập cho người bán nên không thuộc đối tượng phải kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán hàng.
Đó là chưa kể khi người bán dẫn dụ khách qua các nền tảng khác như Facebook, Zalo… rồi bán hàng thu tiền mặt thì sàn cũng không thể quản lý hết.
Nếu xét sâu hơn về những người bán hàng trên các sàn có doanh thu khủng hiện nay là Tiktok Shop và Shopee, lại thấy có thêm nút thắt rất lớn. Đó chính là những người bán hàng xuyên biên giới mà nhiều nhất đến từ Trung Quốc. Những nhà kinh doanh Trung Quốc đặt kho hàng ngay tại biên giới, họ livestream và người tiêu dùng Việt “ùn ùn” vào mua vì giá rẻ, giao hàng nhanh.
Làm sao thu thuế những người này chính là một câu hỏi rất lớn, vì sự hiện diện của họ trên các sàn đang ngày một nhiều. Trong khi các sàn quản lý người bán hiện nay cũng rất lỏng lẻo. Chỉ cần tạo tài khoản, đăng ký gian hàng là có thể kinh doanh. Cái mà sàn quan tâm là khấu trừ hoa hồng trên từng sản phẩm bán ra, cũng như khấu trừ chi phí khi chạy theo các chương trình khuyến mại, giảm giá chứ không phải là quản lý người bán, thì làm sao để hỗ trợ được cho ngành thuế. Nên dựa vào sàn là bất khả thi.
Khi bàn về vấn đề quản lý thuế trên nền tảng số, không ít ý kiến nói đến việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ TT-TT… với ngành thuế để làm cơ sở thu thuế. Song thực tế kết nối đôi khi vẫn chưa được như mong muốn.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), Luật quản lý thuế đưa ra biện pháp kết nối cơ sở dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ khấu trừ tiền thuế của người bán. Văn bản hướng dẫn cũng đã có nhưng trong thực tế, việc khấu trừ thuế của cá nhân có hoạt động TMĐT ở ngoài Việt Nam, hoặc từ nước ngoài chuyển về vẫn chưa thực hiện được.
Tóm lại, khi TMĐT nói riêng, kinh tế số nói chung ngày càng phát triển, thì bài toán đặt ra cho ngành thuế sẽ ngày càng nhiều. Đó là làm sao để không thất thu thuế, làm sao để tạo công bằng trong kinh doanh.