Những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không ngừng tăng. Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam để sản xuất, kinh doanh được coi là một tín hiệu tốt, góp phần giải quyết số lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động; tác động mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào nước ta trong thời gian gần đây chứa đựng một số rủi ro: Nguy cơ "thổi phồng" về vốn và lợi nhuận; yêu cầu quá lớn về nguồn cung cấp năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, đất đai; gây ô nhiễm môi trường; không phù hợp với quy hoạch phát triển gây mất cân đối về cơ cấu trong quá trình phát triển lâu dài của đất nước; sử dụng công nghệ lạc hậu…
Thiếu giải pháp quản lý
Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính đối với 90 doanh nghiệp FDI tại 10 địa phương trên cả nước mới đây cho thấy gần 90% số doanh nghiệp FDI này bị lỗ liên tiếp 3 năm 2007-2009, trong đó có không ít những tên tuổi đại gia trong các ngành bán lẻ, phân phối, may mặc, sản xuất xe máy, mỹ phẩm, đồ gia dụng.
Năm 2007, chỉ có 8 doanh nghiệp lãi trên tổng số 72 doanh nghiệp FDI báo cáo, năm 2008 số doanh nghiệp lãi chỉ còn 2 đơn vị trên tổng số 79 doanh nghiệp thanh tra, đều thuộc TPHCM; năm 2009 số các doanh nghiệp lãi chỉ vỏn vẹn 4 trên tổng số 70 doanh nghiệp ở cả Hà Nội và TPHCM.
Số lỗ không phải vài chục tỷ đồng mà là hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong khi thực tế các doanh nghiệp này dường như "sống khỏe", vẫn có những chương trình quảng cáo rầm rộ và mở rộng quy mô kinh doanh.
Dây chuyền sản xuất sơn chống thấm My Kolor của Thái Lan. Ảnh: LÃ ANH |
Bên cạnh việc chuyển giá để báo lỗ không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, trong thời gian qua vẫn còn một số doanh nghiệp FDI không chú ý đúng mức đến vấn đề an toàn lao động, nâng cao chất lượng đời sống công nhân, thậm chí còn “nhắm mắt” làm liều, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân ở nơi các doanh nghiệp hoạt động.
Nguyên nhân chủ yếu là do trách nhiệm xã hội của các chủ doanh nghiệp còn thấp, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà quên những hậu quả mình đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho xã hội. Doanh nghiệp FDI thường coi trọng mục tiêu tận thu tài nguyên, bóc lột nhân công giá rẻ nên lơ là trách nhiệm xã hội là đương nhiên.
Nhưng vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý thiếu chính sách quản lý hay nói đúng hơn là chưa có giải pháp để tạo gọng kiềm trong việc thanh, kiểm tra.
Nhưng không thể “cá mè một lứa”
Lâu nay chúng ta đang có sự đổ đồng, đánh giá kiểu “cá mè một lứa” về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm xã hội cũng được nhìn nhận như doanh nghiệp làm không tốt công tác này, bởi chưa có các biện pháp thiết thực, cụ thể khích lệ các doanh nghiệp đề cao trách nhiệm xã hội, hoặc chỉ quan tâm đến xử phạt các sai phạm chứ chưa đặt vấn đề khen thưởng, tôn vinh đối với các doanh nghiệp FDI có trách nhiệm với xã hội, tích cực đóng góp cho sự phát triển cộng đồng, bảo đảm an ninh an toàn và môi trường… ở địa phương.
Việc tôn vinh các doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh hiệu quả, có nhiều đóng góp cho xã hội chúng ta đã làm, nhưng tôn vinh các doanh nghiệp FDI thì chưa được quan tâm đúng mức.
Việc Bộ Kế hoạch-Đầu tư tổ chức Lễ trao giải thưởng "Trách nhiệm xã hội" dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam có thể xem là một hướng mới, mang nhiều ý nghĩa trong đề cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc.
Việc làm này cần được mở ra với mọi doanh nghiệp FDI chứ không chỉ bó hẹp trong các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ thì các doanh nghiệp FDI được nêu tên trong Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất (bảng xếp hạng do Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam và Báo VietnamNet) công bố hàng năm chắc chắn sẽ cần được tôn vinh, được tưởng thưởng xứng đáng cả về tinh thần lẫn những chính sách khích lệ vật chất cụ thể.
Mặc dù có thể hiểu và chấp nhận động cơ lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng cần hoạt động hướng tới sự tăng trưởng của cả công ty lẫn cộng đồng.
Các doanh nghiệp và đặc biệt doanh nghiệp FDI, cần thấy rõ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội là tham gia đóng góp vào giải quyết những vấn đề của cộng đồng, qua đó nâng cao uy tín, giảm rủi ro và chi phí, duy trì tăng trưởng dài hạn.