Trong quý I, số DN phá sản, ngừng hoạt động (15.283 DN) tương đương số DN thành lập mới (15.700 DN) đang nói lên nhiều điều và phản ánh bức tranh không hề sáng sủa của nền kinh tế những tháng đầu năm 2013.
Chưa có nhiều cải thiện
Chưa thể tính được hiệu quả của các DN thành lập mới ra sao, nhưng việc số lượng DN phá sản, ngừng hoạt động dường như cho thấy hoạt động kinh doanh của DN vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn: sản xuất công nghiệp tăng 4,9%, thấp hơn mức 5,9% của cùng kỳ năm 2012; 15/32 nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm so với cùng kỳ năm trước; tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 16,5%...
![]() |
Các chính sách hỗ trợ DN thời gian qua vẫn chưa phát huy tác dụng. Ảnh: CAO THĂNG |
Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 13 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Các biện pháp như gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm 50% tiền thuê đất, giãn nộp và sau đó giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN), giảm lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh…
Ngay từ đầu năm 2013, Nghị quyết 02 của Chính phủ ra đời, bên cạnh thực hiện các biện pháp đã đề ra trong Nghị quyết 13, Nghị quyết 02 nhấn mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu với hàng loạt biện pháp trong giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN vẫn chưa có nhiều cải thiện, số lượng DN khó khăn, tạm ngừng kinh doanh, thu hẹp sản xuất, thua lỗ ngày càng tăng.
Thực tế trên đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả thực sự trong việc đưa ra và thực thi các biện pháp hỗ trợ DN. Chẳng hạn như với thuế TNDN, theo quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, chính sách hỗ trợ hiện nay nói chung, giãn, giảm thuế TNDN nói riêng không chỉ hướng vào những DN có tiềm năng phát triển nhưng đang khó khăn tạm thời mà cả những DN đang phát triển, có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh tốt để vượt lên trở thành các đầu tàu, lực đẩy cho tăng trưởng.
Còn với thuế GTGT, nếu giảm được thì tốt hơn (hiện mới chỉ được giãn thời gian nộp thuế), bởi đó là cách hữu dụng để tháo gỡ cho các DN ở thời điểm này. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa, cũng cho rằng Chính phủ nên xem xét việc giảm, miễn thuế trình ra Quốc hội để hỗ trợ DN, thay vì chỉ giãn thuế. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có thống kê cụ thể DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản… để Quốc hội quyết định.
Giảm thuế suất về 20%: Đang nghiên cứu
Đồng tình và chia sẻ với quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng để tăng cầu, phục hồi tăng trưởng, Chính phủ nên trình Quốc hội trong kỳ họp tới việc giảm thuế TNDN xuống 20% (thay vì 23% như dự kiến).
Đây là giải pháp thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, nhất là đầu tư của các DN FDI trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư của các nước trong khu vực đang tăng lên. Đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo đầu tư trong nước, tạo thêm việc làm và kích thích tăng trưởng.
Theo ông Tuyển, trong điều kiện lạm phát thấp như thời điểm hiện tại, đồng yên giảm giá, có thể điều chỉnh nhẹ tỷ giá trong khung điều chỉnh cả năm để bảo đảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, do chi phí vốn của DN nước ta cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Tại Nghị quyết 02, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định: áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ ngày 1-7 (sớm hơn 6 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN) đối với DN có quy mô nhỏ và vừa (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng); áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% từ ngày 1-7 đối với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội.
Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay dự thảo nghị quyết về một số chính sách thuế (thuế TNDN và GTGT) tháo gỡ khó khăn đã trình lên Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến ngày 18-4 tới, ủy ban này sẽ thảo luận vấn đề này. Tuy nhiên, ngoại trừ nội dung giảm thuế GTGT với lĩnh vực bất động sản như Nghị quyết 02, việc giảm thuế GTGT với các loại hàng hóa khác không được đại diện Bộ Tài chính đề cập.
Trả lời câu hỏi của ĐTTC xung quanh vấn đề nhiều ý kiến cho rằng nên giảm thuế suất về mức 20%, thay vì mức 23% như đề xuất của Bộ Tài chính, bà Mai cho biết Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu và đưa ra lộ trình giảm về thuế suất 20%.
Phương án tối ưu đang được cơ quan này tính toán trên nguyên tắc tính toán tác động thu ngân sách, sản xuất kinh doanh để thu hút đầu tư, tăng cạnh tranh.
Bà Mai cũng khẳng định, với dự kiến thuế suất phổ thông 23% và dự kiến sắp tới có thể sẽ thông qua Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN về mức 20% áp dụng với DN nhỏ và vừa từ 1-7, thuế suất của Việt Nam đã khá cạnh tranh so với khu vực.