Một ví dụ là mới chỉ 5% dân số châu Phi được tiêm vắc-xin COVID-19, vì thế lục địa này rất cần những loại thuốc có thể giúp người dân không phải nhập viện. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng ở các nước giàu có đã đạt trên 70%.
Ngày 11/10, Merck nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp cho loại thuốc uống chống COVID-19 đầu tiên trên thế giới, sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc này có thể giảm 50% số ca mắc và tử vong.
Hãng dược Mỹ đã có bước đi khác thường là cấp phép cho nhiều loại thuốc chứa cùng hoạt chất với thuốc kháng virus molnupiravir trước khi phiên bản gốc được cấp phép ra thị trường. Tuy nhiên, các quan chức y tế quốc tế cho rằng điều đó chưa đủ để thuốc có thể đến với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình "trong khi những hạn chế và quan liêu của các tổ chức quốc tế có thể khiến làm chậm quá trình phân phối", theo Reuters.
Merck năm nay có kế hoạch sản xuất 10 triệu liều thuốc molnupiravir (mỗi liều cần uống 2 viên mỗi ngày và sử dụng trong 5 ngày) và 20 triệu liều trong năm sau.
Bên cạnh đó, hãng đã ký thỏa thuận cấp phép cho 8 hãng dược Ấn Độ để họ sản xuất các loại thuốc tương đương biệt dược (generic) nhằm cung cấp cho 109 quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Các nhóm quốc tế công nhận đây là một sự nhượng bộ tích cực.
Tuy nhiên, khi các quốc gia giàu có đã ký được thỏa thuận mua molnupiravir, như Mỹ đã chắc chắn có được 1,7 triệu liều vào tháng 1/2023 với giá 700 USD/liều, đã có những quan ngại rằng nhiều nước sẽ bị bỏ lại.
Merck nói rằng họ đang tích cực chuyển giao công nghệ cần thiết cho việc sản xuất thuốc có thành phần tương đương, trong khi các nhà sản xuất vắc-xin tiếp tục cưỡng lại lời kêu gọi bỏ qua bằng sáng chế để cho phép sản xuất quy mô lớn.
Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của chương trình Đẩy nhanh các công cụ chống COVID-19 của Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại rằng các cơ quan của Liên Hợp Quốc không hành động đủ nhanh để bảo đảm các phương pháp chữa trị mới được phân phối kịp thời, bao gồm thuốc của Merck.
Medicines Patent Pool (MPP), một tổ chức y tế được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, cho biết đã có 24 công ty đăng ký và sẵn sàng sản xuất thuốc nếu Merck đồng ý cấp phép.
“Nếu không có giấy phép, bạn phải phụ thuộc vào Merck. Và có vẻ chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung và giá rất cao”, ông Peter Maybarduk, làm việc tại Public Citizen và là một thành viên trong ban quản trị MPP, nói. Ông cho rằng tình trạng này sẽ dẫn đến việc các nước giàu có mua hết thuốc, khiến các nước nghèo không có cơ hội.
Chưa rõ sẽ có bao nhiêu liều thuốc tương đương được sản xuất và khi nào quá trình sản xuất bắt đầu. Các hãng dược Ấn Độ được cấp phép như Aurobindo Pharma, Cipla Ltd, Dr. Reddy’s Labs… từ chối cung cấp thông tin về kế hoạch sản xuất.
Bên cạnh đó, việc sản xuất thuốc ở nhiều quốc gia cần sự đồng ý của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một quy trình thông thường cần đến vài tháng.