Ngày 20-4 hàng năm được Chính phủ chọn là Ngày Thương hiệu Việt Nam. Cùng với đó, chương trình “Thương hiệu quốc gia” do Chính phủ tiến hành đã góp phần tôn vinh, quảng bá các thương hiệu Việt Nam. Nhân dịp này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn Thương hiệu Left Brain Connectors, xung quanh câu chuyện đưa thương hiệu Việt vươn tầm ra khu vực và trên thế giới.
PHÓNG VIÊN: - Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của một ngày, một chương trình tôn vinh các thương hiệu Việt Nam?
Ông PHẠM VIỆT ANH: - Theo tôi, 1 ngày dành riêng tôn vinh các thương hiệu Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần động viên, khích lệ và ghi nhận những thành quả đạt được của các DN. Song điều quan trọng hơn là những chính sách hỗ trợ để một thương hiệu quốc gia có thể đi ra khu vực và thế giới.
Có 3 yếu tố giúp một thương hiệu có thể vươn xa. Thứ nhất, đó phải là thương hiệu hàng đầu của một quốc gia. Thứ hai, thương hiệu ấy phải nằm trong thế mạnh của quốc gia. Thứ ba, phải có sự hậu thuẫn của Chính phủ.
- Có ý kiến cho rằng thời điểm có ngày thương hiệu Việt Nam cũng là lúc chúng ta phải chứng kiến nhiều cuộc thâu tóm thương hiệu Việt? Quan điểm của ông ra sao?
- Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu như hôm nay, khái niệm thương hiệu thuần túy được sở hữu bởi người Việt Nam, thậm chí là thương hiệu thuần túy sở hữu bởi người Hoa Kỳ, dường như đã thay đổi. Vì một công ty khi trở thành công ty đại chúng sẽ đa sở hữu, quan trọng chỉ là nó khởi nguồn từ quốc gia nào, việc thay đổi ông chủ không quá quan trọng.
Phở 24 có thể bán cho người nước ngoài nhưng vẫn là phở Việt Nam và biết đâu sau này sẽ có một người Việt Nam mua được cổ phần chi phối, thương hiệu này lại quay về với người Việt. Phải hiểu rằng thương hiệu là một “công dân toàn cầu”, nếu cứ mãi lo lắng như trên là không phù hợp.
Chúng ta đang hội nhập, đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nên không thể đòi hỏi những thương hiệu chỉ là của riêng Việt Nam. Nếu nhìn khách quan, Việt Nam cũng có những thương hiệu được khu vực và thế giới biết đến như Vinamilk, Trung Nguyên... chỉ là sức lan tỏa chưa mạnh.
- Nói đến sức lan tỏa thương hiệu, nhiều người nhớ đến việc Starbuck hay McDonald’s vào Việt Nam. Theo ông, những thương hiệu Việt Nam có thể học hỏi được gì từ những thương hiệu này khi ra thế giới?
- Khi Starbuck và McDonald’s mới đến Việt Nam, nhiều người xếp hàng để được thưởng thức. Theo tôi có một vài lý do khiến nó có sức hút đến như vậy.
Thứ nhất, bản thân các thương hiệu này đã có một quá trình phát triển, những câu chuyện thương hiệu của họ được lan tỏa trong một thời gian khá dài trước khi vào Việt Nam. Họ được đón chào phần lớn trên toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam. Đó là lợi thế không thể so sánh được. Ngoài ra, khi vào Việt Nam họ là một thương hiệu mới trong thị trường. Tại một đất nước đang phát triển, dân số trẻ, cái mới luôn có sức hút mạnh. Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng tạo ra một câu chuyện là điều phải làm, nhưng để tạo ra câu chuyện khiến người ta ngưỡng mộ cần phải có thời gian và thực chứng.
Thương hiệu không phải được tạo dựng trong 1 đêm, được gầy dựng bằng truyền thông, quảng bá, mà bởi những chuỗi thành công, thành tựu trong thời gian dài. Thương hiệu từ khi gầy dựng đến khi người tiêu dùng trong nước biết đến rồi vươn ra thế giới cần có một thời gian dài. Thí dụ Vinamilk cần vài chục năm, Trung Nguyên 20 năm, Phở 24 ngắn hơn cũng phải chục năm. Thương hiệu mới càng cần đột phá ý tưởng, thời gian nuôi dưỡng, cải tiến, thành tựu phải mang tính liên tục.
- Như vậy phải chăng chúng ta cũng không nên quá lo lắng về việc chưa có nhiều thương hiệu của Việt Nam vươn tầm ra khu vực, thế giới vì cần có thêm thời gian?
- Thời điểm này chưa lo nhưng về lâu dài sẽ lo, vì đến nay chưa có nhiều công ty Việt Nam đầu tư nghiêm túc vào cải tiến công nghệ, nghiên cứu phát triển và phát triển con người để kiến tạo tăng trưởng thông qua năng suất, hướng tới sự phát triển bền vững. Hãy nhìn vào những công ty nổi tiếng trên thế giới sẽ thấy họ đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu như thế nào. Nói thêm về câu chuyện các giải thưởng, có một câu hỏi là những giải thưởng cho các thương hiệu hiện nay có quá nhiều hay không.
Thực ra nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là làm sao để các giải thưởng thực sự có giá trị, và sau đó người tiêu dùng có những nhận biết để các DN có thương hiệu đạt giải thưởng. Đó là việc làm của các đơn vị tổ chức. Chẳng hạn với chương trình thương hiệu quốc gia, sau khi các DN đạt giải thưởng sẽ được gắn biểu tượng “Vietnam value”. Nếu không có sự quảng bá, tuyên truyền của chính đơn vị tổ chức để người tiêu dùng biết đến giá trị của biểu tượng này, thì việc được gắn biểu tượng cũng vô nghĩa. Thương hiệu chính là giá trị, cảm nhận của người tiêu dùng, vậy phải cho người tiêu dùng biết đến những giá trị ấy.
Thương hiệu cà phê Trung Nguyên đang được khẳng định trên thị trường. |
- Ông có nói, một trong những yếu tố làm nên thành công của thương hiệu là nằm trong thế mạnh của quốc gia. Hiện nay, một trong những thế mạnh của Việt Nam là nông sản, chúng ta cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này nhưng lại chưa có thương hiệu mạnh?
- Có một thực tế là chúng ta hiện chỉ xuất khẩu nông sản thô. Những sản phẩm sau chế biến từ nông sản Việt Nam, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao chưa nhiều. Tuy nhiên với những thương hiệu như Vinamit, cà phê Trung Nguyên… thương hiệu của họ đang dần được khẳng định nhiều hơn trên thị trường khu vực và thế giới.
Và tôi tin rằng trong tương lai Nhà nước sẽ có những chiến lược phù hợp để phát triển nhiều hơn nữa những DN xuất khẩu nông sản sau chế biến. Từ đó, gầy dựng những thương hiệu từ chính thế mạnh của Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.