Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên internet.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số, trong đó, hoạt động thương mại xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi.
“Thương mại điện tử xuyên biên giới tăng nhanh chóng đang là nhân tố cốt lõi của toàn cầu và là xu hướng tất yếu, không thể quốc gia nào đứng ngoài cuộc được. Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam càng ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành hình thức kinh doanh phổ biến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng, quy trình hoạt động, hàng hóa, dịch vụ công nghệ hiện đại… đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng của nước ta”, ông Nguyễn Đức Trung nhận định.
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, để bán hàng thành công trên sàn thương mại điện tử, các nhà bán hàng cần định hướng chiến lược sản phẩm, định hướng đến khách hàng tiềm năng; đa dạng hình thức vận chuyển; lên kế hoạch đầu tư quảng cáo; hoạch định kế hoạch kinh doanh, và quan trọng nhất là phải xây dựng thương hiệu.
“Việc đầu tư và nhân sự chuyên trách rất quan trọng cho phát triển thương hiệu sản phẩm để doanh nghiệp có thể thành công trên thị trường toàn cầu. Vì vậy, cần phải đầu tư nhân sự chuyên trách. Tiếp theo, phải nghiên cứu và lựa chọn các sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu và xây dựng thương hiệu. Cuối cùng là khi chúng ta kinh doanh trên thương mại điện tử xuyên biên giới cần phải nắm rõ các luật, cũng như là quy định liên quan đến thị trường, mục tiêu”, ông Trịnh Khắc Toàn lưu ý.