Lên mạng mua từ quần áo giày dép đến thịt cá, bún phở
Sự kiện “siêu sale” ngày 6-6 của các sàn thương mại điện tử trở nên “sốt” hơn khi tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng đóng cửa, người dân phần lớn ở nhà nên tranh thủ lên mạng mua sắm.
Hơn 22h tối qua, sự kiện livestream với nhiều ca sĩ nổi tiếng của sàn Lazada vượt mốc 1 triệu người theo dõi. Họ vừa xem, vừa lấy mã giảm giá và chờ đến đúng 0h ngày 6/6 để bắt đầu mua sắm, với hàng loạt chương trình khuyến mãi.
Vừa qua ngày mới, Nguyễn Thanh Tùng (ngụ quận 3, TPHCM) nhanh chóng “chốt” đơn hàng gồm 3 đôi giày thể thao của một thương hiệu quốc tế. 3 đôi giày được bán bởi “gian hàng chính hãng” có giá gốc 6 triệu đồng, sau khi giảm giá chỉ còn chưa đến 3 triệu.
“Gian hàng giảm giá hơn 50%, lấy được thêm một số mã giảm giá nhân ngày siêu sale nên giá cuối cùng mua được quá hời. Ngoài sàn này, tôi còn 3 đơn khác mua quần áo bên Shopee. Cả tuần nay ở nhà làm việc online vì Covid-19, buồn quá, cứ rảnh rảnh là lên các sàn thương mại điện tử mua sắm”, Tùng nói.
Không riêng Tùng, nhiều người tại TPHCM cũng “khoe” hàng loạt đơn hàng đang chờ giao sau một tuần ở nhà làm việc online khi TP giãn cách xã hội.
Chị Thùy Hương (TP Thủ Đức) cũng không đến siêu thị mua sắm thực phẩm hay hàng hóa thiết yếu, vì ngại nơi đông người. Quen mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, chị Hương đặt hết các loại thực phẩm khô như gạo, bún, miến, cả rau củ quả, thịt cá.
Trên Tiki, các ngành hàng từ rau củ quả, thịt cá, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn có đầy đủ. Trước nhu cầu mua sắm tại nhà tăng cao, sàn này vừa quyết định giảm phí vận chuyển giao nhanh trong 2h đồng hồ từ 39.000 đồng xuống còn 29.000 đồng.
Thực phẩm tươi sống và nhóm hàng thiết yếu những ngày này xuất hiện nhiều hơn khi khách truy cập Lazada, Shopee. Khách hàng có nhu cầu về sản phẩm nào, chỉ việc chọn hết một lần rồi thanh toán, chờ nhận hàng.
Bách Hóa Xanh online, với lợi thế là cửa hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng cùng độ phủ lớn, hàng hóa mua tại đây được giao nhanh hơn, người mua có thể hẹn cả thời điểm nhận hàng.
Chợ thương mại điện tử thắng lớn, doanh thu tăng bằng lần
Chỉ trong vài ngày đầu tiên TPHCM giãn cách xã hội, Tiki đã ghi nhận mức độ tăng trưởng toàn sàn lên đến 30%. Đáng chú ý, ngoài nhóm hàng tiêu dùng nhanh, Tiki cho biết sức lan tỏa cũng rộng ra đến những nhóm hàng khác trong thời gian giãn cách, như ngành hàng nhà cửa và đời sống, mẹ và bé, dụng cụ thể thao…
Đại diện sàn thương mại điện tử này cho biết, trước nhu cầu tăng mạnh nên đã nhanh chóng phối hợp với các nhà bán hàng và thương hiệu đẩy mạnh nguồn cung ở hầu hết ngành hàng, đặc biệt với nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống, với mức tăng khoảng 50%. Nguồn cung sản phẩm chăm sóc sức khỏe được ưu tiên tăng gấp 3 lần, nước rửa tay tăng 25 lần.
Còn đại diện Lazada thông tin các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh trong những ngày qua tăng gấp hơn 3 lần so với đợt giãn cách xã hội đầu tiên vào tháng 4-2020. Đáng chú ý nhất là ngành hàng thực phẩm tươi sống và đông lạnh tăng đến hơn 10 lần.
Sàn thương mại điện tử này cũng cho biết nhóm hàng khẩu trang, nước sát khuẩn vẫn được quan tâm lớn. Tuy nhiên nhờ nguồn cung ổn định, tâm lý không tích trữ nên không khan hiếm.
“Trải qua 4 lần bùng phát Covid-19, người dân đã quen mua sắm nhu yếu phẩm qua các kênh online, thay vì lo lắng tích trữ hàng hóa quá mức như trước”, đại diện Lazada nhận định.
Doanh nghiệp cho biết sẽ liên tục mở rộng nguồn hàng, triển khai phương thức giao hàng không tiếp xúc, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, ưu đãi giảm giá.
Tương tự, Shopee cũng ghi nhận lượng khách hàng tăng trưởng tốt trong những ngày gần đây ở các ngành hàng, không chỉ nhóm hàng thiết yếu. Do đó, Shopee đã lập riêng một bộ sưu tập các mặt hàng như thực phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe, nhu yếu phẩm cần thiết với giá tốt, kèm miễn phí vận chuyển để khách hàng lựa chọn thuận tiện và nhanh chóng nhất.
Sở Công thương TPHCM cũng nhận định người dân tại TPHCM không còn tâm lý tích trữ hàng hóa, hạn chế đến mua trực tiếp tại siêu thị mà chuyển sang hình thức mua hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada hoặc mua hàng trực tuyến của các siêu thị lớn, nhận hàng tại nhà.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong lúc TP thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu mua hàng mang đi dưới sự hỗ trợ của các công ty vận chuyển và các tài xế nhiều hơn.
HCDC khuyến cáo tài xế, các công ty vận chuyển giao hàng, người mua sắm cần lưu ý giao nhận hàng và thanh toán không tiếp xúc, luôn mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không chạm tay vào mặt. Đặc biệt, các tài xế không được đi làm khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở… đồng thời phải đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực tại cơ sở y tế.