(ĐTTCO) - Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, nhưng ngay cả ông lớn như Rocket Internet (Đức) cũng đã lần lượt bán đi những đứa con của mình.
Khi ông lớn bán mình
Theo báo cáo TMĐT 2015, được Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) công bố mới đây, doanh số TMĐT giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cũng theo báo cáo này, giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160USD. Loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến thường xuyên nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (64%), tiếp đến là đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách - văn phòng phẩm - hoa - quà tặng. Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, cả doanh số của website bán hàng và sàn thương mại năm 2015 đều tăng mạnh.
Thoạt nhìn những con số tăng trưởng nói trên, nhiều ý kiến sẽ phải đồng tình ngay rằng TMĐT Việt Nam quả là rất tiềm năng. Thế nhưng, nhiều sự kiện trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây lại đang cho thấy một mặt khác hơn của TMĐT Việt, đó chính là một miếng ngon nhưng không dễ nhằn. Từng nhiều lần chia sẻ với ĐTTC, ông Trần Đức Thắng, sáng lập kay.vn, nhấn mạnh doanh số của website bán hàng và sàn thương mại có thể tăng mạnh, nhưng lợi nhuận thu được phía sau như thế nào mới đáng được quan tâm. Bởi hầu hết các sàn giao dịch đều phải rất mạnh tay trong các chiến lược marketing để mua niềm tin của khách hàng.
Tài chính có lẽ là lý do chính khiến không ít đơn vị phải dừng cuộc chơi trên con đường này. Còn nhớ vào những ngày đầu tháng 11 năm trước, website beyeu.com đã chính thức đóng cửa. Thực ra, việc một website TMĐT đóng cửa cũng quá đỗi bình thường, cuộc rút lui của beyeu.com không đình đám bằng những cuộc bán mình lần lượt của những “đứa con” ông lớn Rocket Internet, một tay chơi luôn được đánh giá là mạnh về tài chính. Đầu tháng 12-2015, foodpanda.vn tuyên bố chấm dứt kinh doanh tại Việt Nam vì tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn. Và chỉ sau đó ít ngày Foodpanda chính thức tuyên bố bán mình cho đối thủ Vietnammm.com. Tiếp đó, tháng 4 vừa qua Alibaba đã đầu tư 1 tỷ USD vào Lazada, với số vốn này Alibaba nắm giữ 64% cổ phần của Lazada. Các thương vụ bán mình của Rocket Internet vẫn chưa dừng lại ở đó, ngay từ thời điểm bán Foodpanda nhiều tin đồn xung quanh việc ông lớn này sẽ bán tiếp Zalora Việt Nam để cắt lỗ đã được giới thạo tin bàn tán. Thế nhưng Zalora Việt Nam vẫn luôn khẳng định không có chuyện này. Song cách đây không lâu, trang công nghệ Techcrunch.com đã thông tin danh tính đơn vị mua lại Zalora Thái Lan và Việt Nam là Central Group Thái Lan. Theo nguồn tin này, tập đoàn bán lẻ của Thái Lan sẽ chi khoảng 10 triệu USD cho Zalora mỗi nước. Thương vụ này được cho là đang trong quá trình hoàn tất giấy tờ. Hiện Zalora và Central Group chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.
Cuộc chơi sẽ về đâu?
Nhiều ý kiến cùng đồng tình rằng cắt lỗ chính là lý do lớn nhất cho các thương vụ liên tiếp vừa qua của Rocket Internet. Chỉ tính riêng Zalora, theo báo cáo tài chính mới nhất của Rocket Internet, mặc dù doanh thu của Zalora trong năm 2015 tăng gần 78% (so với năm 2014), đạt 234 triệu USD nhưng mức lỗ ròng của Zalora lại tăng đến 36% lên tới khoảng 105 triệu USD. Khó khăn về tài chính, lỗ nhưng cả Lazada và Zalora dường như vẫn bán được mức giá hời. 2 tay chơi mới từ Trung Quốc (Alibaba) và Thái Lan (Central Group) sẽ làm gì ở thị trường Việt Nam? Liệu ông lớn như Alibaba có làm thay đổi diện mạo cuộc chơi hay không vẫn còn là một câu hỏi của thì tương lai.
![]() |
TMĐT là xu hướng của thời đại, nhưng để hưởng lợi từ xu hướng này là điều thách thức. |
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia Ngô Trí Long, với một tay chơi “cỡ lớn” có tiếng trên thế giới, với kinh nghiệm đã có, cộng với tiềm lực mạnh, Alibaba cùng ông chủ Jack Ma sẽ tạo điều kiện hữu ích cho TMĐT Việt Nam phát triển. Còn với Central Group, các phân tích chỉ ra rằng mua lại Zalora sẽ giúp họ hoàn thiện kênh bán lẻ từ offline đến online. Central Group đang ngày càng hiện diện mạnh mẽ ở thị trường bán lẻ Việt Nam. Tập đoàn đã mua lại 49% cổ phần của Điện máy Nguyễn Kim vào đầu năm ngoái, mở 2 trung tâm thương mại thời trang Robins ở Việt Nam... Central Group cũng được báo chí quốc tế thông tin rằng đang theo đuổi thương vụ thâu tóm chuỗi siêu thị Big C.
Nhưng dù các ông lớn có làm gì thì một trong các điều kiện tiên quyết cho ngành TMĐT Việt Nam thành công đó chính là lấy được niềm tin của khách hàng. Ngay cả Lazada cũng không ít lần bị khách hàng tố về chất lượng sản phẩm. Theo một khảo sát của cơ quan chuyên trách, hiện có 44% người dùng internet ở Việt Nam (tương đương 14 triệu người) chưa bao giờ tiến hành các giao dịch hàng hóa trực tuyến. Hay mới đây, một khảo sát của Neilsen cũng chỉ ra rằng 22% người tiêu dùng được khảo sát không tin tưởng thông tin trên mạng; 15% ngại chi phí giao hàng; 11% phàn nàn các trang web mua sắm khó hiểu, chưa thuận tiện cho việc tìm kiếm thông tin. Ông Trần Đức Thắng cho rằng cuộc chơi TMĐT Việt Nam sẽ còn khá dài và những người không đủ tiềm lực sẽ bị bỏ lại phía sau. Mỗi đơn vị sẽ có một cách chơi cho riêng mình.