Thương mại thế giới cần một bộ quy tắc mới

Các cuộc đàm phán trong vòng đàm phán thương mại Doha đã kết thúc mà không đi đến kết quả nào. Để thay thế chúng, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã quyết định tiếp tục mở ra một vòng đàm phán mới cho kinh tế thế giới, có tên "vòng đàm phán phục hồi toàn cầu"

Các cuộc đàm phán trong vòng đàm phán thương mại Doha đã kết thúc mà không đi đến kết quả nào. Để thay thế chúng, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã quyết định tiếp tục mở ra một vòng đàm phán mới cho kinh tế thế giới, có tên "vòng đàm phán phục hồi toàn cầu"

Thương mại và tăng trưởng kinh tế là hai lĩnh vực song hành không thể tách rời. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên của thế kỷ 21 xuất hiện trong năm 2008, thương mại thế giới và tăng trưởng kinh tế các nước nối đuôi nhau sụp đổ. Tới năm 2009, cả hai hồi phục phần nào và tiến trình đó vẫn đang diễn ra cho tới trước cú trượt dốc trong năm nay.

Các nhà điều hành kinh tế thế giới hiểu rõ rằng cắt giảm thuế, mở rộng cửa các nền kinh tế sẽ giúp thúc đẩy thương mại và phần nào hỗ trợ cho sự phục hồi của toàn thế giới, bởi vậy ngay sau khi Doha đi vào ngõ cụt, WTO đã nghĩ đến việc thay thế nó bằng một vòng đàm phán mới, nỗ lực đi đến một thỏa thuận đa phương.

Mục đích của vòng đàm phán Doha, được WTO đưa ra từ năm 2001, là rất đáng ca ngợi. Nó cố tình đặt lợi ích của các nước nghèo lên hàng đầu, đặc biệt đặt ưu tiên vào việc cải thiện sự tiếp cận của nông dân các nước nghèo khi muốn thâm nhập vào các thị trường giàu có.

Nhưng Doha đặt tham vọng quá lớn, bởi không chỉ bao gồm thương mại đối với sản xuất hàng, nông nghiệp và dịch vụ, mà còn cả một loạt những quy tắc gián tiếp liên quan đến thương mại như chống độc quyền, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các quy định đầu tư nước ngoài. Theo viện nghiên cứu kinh tế Peterson, Doha sẽ ảnh hưởng tới một khoản lợi ích trị giá khoảng 280 tỷ USD mỗi năm, sự can thiệp đó sẽ không thể dễ dàng.

Doha thất bại có thể kể đến những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, sự hiện diện của các “nhân vật phản diện” tham gia vận động hành lang quyết liệt nhằm chống lại Doha, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là Mỹ trong ngành công nghiệp bông và đường, Nhật Bản trong ngành lúa gạo và thủy sản và EU trong nhiều ngành khác.

Thứ hai, đó là quy mô của Doha quá lớn. Năm 2001 khi Doha bắt đầu khởi động số lượng các quốc gia tham gia là 149, và hiện giờ đã lên tới 157 thành viên trong khi vòng đàm phán thương mại thế giới đầu tiên do WTO tổ chức vào năm 1947 chỉ có 23 quốc gia thành viên. Số lượng thành viên khổng lồ nhưng Doha lại không được chia nhỏ, dẫn đến không thể đạt được kết quả chung.

Sau nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, Doha đã đi vào ngõ cụt trước khi kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2011. Ngay sau đó, chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục được các nước tăng cường. Chỉ trong 2 tuần gần đây, Argentina đã nộp đơn khiếu nại đối với thịt bò và chanh của Mỹ, nhiên liệu sinh học của Tây Ban Nha, đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ trong số lượng các đơn khiếu nại đang gia tăng từng ngày trên khắp thế giới.

Theo tính toán của các chuyên gia, thất bại của Doha sẽ kéo theo sự suy giảm khoảng 4% tổng thương mại thế giới, tức là cao hơn cả xuất khẩu của châu Phi.

Doha tê liệt cũng khiến các nước chạy đua ký các thỏa thương mại song phương hoặc đa phương cấp khu vực. Chúng cũng có ý nghĩa một phần nào, tuy nhiên hạn chế là chỉ mang lại lợi ích cho một số ít các thành viên nội bộ dựa trên việc tăng chi phí đối với bên ngoài. Mọi thứ sẽ trở nên hài hòa hơn nếu có một thỏa thuận đa phương gói gọn tất cả các nước trong WTO, khi đó các lợi ích và xung đột sẽ tuân theo một quy tắc chuẩn mực thay vì mâu thuẫn hỗn độn như hiện nay.

Nhận ra hạn chế của Doha, chủ tịch WTO Pascal Lamy quyết định chấm dứt và thay thế bằng "vòng đàm phán phục hồi toàn cầu", bỏ đi thứ gọi là “cam kết duy nhất” - quy tắc đã giết chết Doha.

Thay vào đó, “vòng đàm phán phục hồi toàn cầu” sẽ được chia thành nhiều phần nhỏ và cho phép đạt được các tiến bộ độc lập với nhau. Các cuộc đàm phán sẽ được mở, chấp nhận sự tham gia thiện chí của bất kỳ nước thành viên nào, tuy nhiên tất cả phải tuân thủ nguyên tắc "tối huệ quốc". Điều này có nghĩa rằng bất kỳ thỏa thuận đạt được giữa một nhóm nhỏ nào sẽ được áp dụng chung cho tất cả các thành viên WTO, ngay cả khi họ không chấp nhận.

Vòng phục hồi toàn cầu sẽ tập trung vào 2 mảng sản xuất và dịch vụ, trong đó sản xuất chiếm khoảng 55% tổng thương mại thế giới, còn dịch vụ chiếm 20%. Riêng lĩnh vực nông nghiệp – thứ gây bất hòa lớn nhất tại Doha sẽ được ưu tiên nhắc đến chậm hơn.

Nhiều khả năng “vòng đàm phán phục hồi toàn cầu” sẽ được khởi động bắt đầu từ phiên họp lớn tiếp theo của WTO, diễn ra tại đảo Bali vào tháng 12-2013. Nếu vòng đàm phán này thành công, nó sẽ là điều tốt đẹp nhất đối với nền kinh tế thế giới trong 5 năm kế tiếp.

Các tin khác