Những dấu ấn
Qua 45 năm (1976-2021) từ khi thiết lập bang giao, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã phát triển: 2 bên trở thành đối tác chiến lược, hợp tác hữu nghị, toàn diện. 2 nước đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý góp phần thúc đẩy quan hệ song phương. 2 nước lại cùng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), hành lang thương mại giữa 2 nước rộng mở hơn bao giờ hết.
Năm 2004, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều 2,31 tỷ USD, năm 2021 tăng lên 18,85 tỷ USD, gấp hơn 8 lần năm 2004, tăng 18,7% so với năm 2020. Thái Lan là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam trong Đông Nam Á, đứng thứ 5 trong châu Á.
2 nước đã có 13 cặp tỉnh, thành phố thiết lập quan hệ, tăng cường liên kết, trong đó nổi bật là TPHCM. Thương nhân Thái Lan qua lại nhộn nhịp TPHCM, từ đây tỏa khắp dải đất phương Nam. Việc kết nối các tuyến đường bộ qua Lào, Campuchia, tuyến vận chuyển ven biển tới 2 nước, cũng như chương trình hợp tác về thông tin và bí quyết công nghệ… đã góp phần làm dòng chảy hàng hóa Việt - Thái ngày càng dồi dào.
Thái Lan là một trong những nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sớm nhất. Hiện Thái Lan đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore), thứ 8 trong hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Chưa tương xứng tiềm năng
Thứ nhất, 2021 là năm hoành tráng nhất trong 6 năm qua của Việt Nam, nhưng kim ngạch 2 chiều Việt - Thái chỉ tăng chút đỉnh so với năm 2018 (18,85 tỷ USD so với 18,61 tỷ USD).
Thứ hai, thâm hụt thương mại của Việt Nam vẫn nặng trĩu. Thái Lan đứng đầu về nhập siêu của Việt Nam trong ASEAN, thứ 4 trong châu Á (sau nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan), và trở thành “con nợ” về thương mại lớn nhất của người Thái trong ASEAN.
Hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi quý I-2022 nhập siêu từ Thái Lan 1,74 tỷ USD, bằng 101,5% so với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Thái trong quý đầu năm, giữ nguyên vị thế nhập siêu vào Việt Nam trong ASEAN và châu Á.
Cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa 2 bên là nguyên cớ chính dẫn tới nhập siêu nặng từ Thái Lan vào Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Thái khoảng 10 mặt hàng chủ lực, nhưng mặt hàng lớn nhất chỉ đạt khoảng 700 triệu USD. Ngược lại, trong 10 mặt hàng Thái xuất khẩu sang Việt Nam, đứng đầu là ô tô nguyên chiếc đã hơn 1 tỷ USD, và linh kiện phụ tùng ô tô khoảng 800 triệu USD, cao hơn mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam sang Thái. Trong cặp các mặt hàng 2 bên trao đổi như điện, điện tử, quang học…, kim ngạch xuất khẩu phía Thái Lan sang Việt Nam đều cao hơn chiều ngược lại.
2 nước có nông sản phẩm tương đồng như gạo, trái cây, cao su… và cùng được xuất khẩu. Song về phẩm cấp các sản phẩm này của Việt Nam còn thua so với hàng Thái. Người Việt ăn gạo Thái, bán xoài vỏ xanh mà ngọt của Thái. Thanh long của ta nhạt, còn mít múi dày nhưng… sượng. Đồ gỗ tinh xảo của Việt từng góp vào trang trí nội thất khách sạn hạng sao của Thái, nhưng tiếc rằng không nhiều, để bù một phần cho khối lượng lớn hàng hóa họ đổ vào.
Thứ ba, Thái Lan mạnh mẽ khi quảng bá hàng hóa vào Việt Nam hơn hẳn việc tương tự ta làm sang Thái. Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn khác từng quen đến hẹn lại thấy người Thái Lan mở hội chợ hàng tiêu dùng tại trung tâm. Các cửa hàng ở những khu kinh tế cửa khẩu từ Lao Bảo, Quảng Trị trở vào Nam, hàng từ Thái hành quân qua Campuchia hay Lào bằng các cửa khẩu chất đầy quầy sạp. Ngược lại, ta chưa “hát đối” được trong các màn giao duyên tương tự…
Thứ tư, đáng quan ngại từ việc đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam là nước này đứng trong top 10 đối tác đầu tư M&A (sáp nhập và mua lại) giai đoạn 2019-2021 tại Việt Nam. Các thương vụ mua bán, sáp nhập hoành tráng nhất trong thời gian qua, bao gồm cả vụ chi hơn 2,2 tỷ USD để gom cổ phiếu bia Sài Gòn, đều thấp thoáng bóng dáng các tỷ phú và tập đoàn hàng đầu Thái Lan.
Nhận thấy hàng Thái đang bán chạy, nhiều hãng bán lẻ đang kinh doanh tại Việt Nam như Aeon, BigC, Lotte Mart đã bắt đầu tăng tỷ lệ hàng Thái. Trên đà này đại gia bán lẻ Thái mua lại những thương hiệu nước ngoài có tên tuổi đã khẳng định vị thế trên thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, khi hàng rào thuế quan trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dần được gỡ bỏ, cơ hội làm ăn tại Việt Nam của các doanh nghiệp Thái sẽ tăng, việc hàng Thái chiếm ưu thế tại Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian.
Còn việc tận dụng cơ hội tương tự để đẩy hàng Việt sang Thái chưa thể thậm chí không thể. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Thái Lan chỉ 15 dự án, với số vốn vỏn vẹn 32 triệu USD.
Hướng tới cân bằng
Cách đây 3 năm, vào tháng 8-2018, Chính phủ 2 nước đã đề ra 2 mục tiêu năm 2020 đạt kim ngạch 2 chiều 20 tỷ USD và tiến tới cân bằng. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 3 Ủy ban hỗn hợp về Thương mại Việt Nam - Thái Lan vào tháng 8-2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và và Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, lên kế hoạch hợp tác cụ thể để phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD năm 2020 và hướng tới cán cân thương mại thăng bằng giữa 2 nước.
Năm 2020 đã đến rồi vội vã ra đi, mốc 20 tỷ USD còn dang dở, cân bằng thương mại chẳng những không thể được lại giãn thêm, thâm hụt càng trĩu nặng về ta.
Đấy là chuyện ngày hôm qua khi trên mọi “trận địa”, người Thái dường như nhỉnh hơn. Song trong vận hội mới, mục tiêu 25 tỷ USD và tiến tới cân bằng là phù hợp với mong muốn của 2 bên trong xây dựng quan hệ song phương, quan hệ trong tiểu vùng sông Mê Kông mạnh mẽ hơn. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả 2 nước, đặc biệt là phía Việt Nam.