Điều đặc biệt, một nhà đầu tư hành nghề thầy cúng là cá nhân duy nhất cùng với đại gia Thái Lan mua cổ phần của Sabeco. Điều này dường như cho thấy, chứng khoán đang đạt mức “xã hội hóa rất cao”.
Một loạt ông lớn nước ngoài khác đã bỏ cuộc, có lẽ do vấn đề giá và do không nhanh nhạy “lách luật” để có thể mua trọn lô. Và thương vụ mua 53% vốn của Sabeco là một điều hoàn toàn bình thường xét ở khía cạnh một giao dịch tài chính thâu tóm. Nhưng việc đại gia bia Thái Lan thực hiện thương vụ thông qua một công ty trong nước là một bước đi được tính toán kỹ, chứng tỏ quyết tâm mua bằng được và mua đa số cổ phần của đại gia này.
Ít nhất một đại gia Nhật Bản và châu Âu trong ngành bia - những người đã từng làm việc với tôi (tác giả) và liên lạc về thương vụ này, cuối cùng đã nói không với việc đấu giá này, bởi những gì họ dự đoán là khó có thể kiểm soát được sau thâu tóm. Và bài toán tiếp theo của đại gia bia Thái là làm thế nào để nuốt trọn nốt phần còn lại với giá rẻ, khi mà Nhà nước theo thời gian sẽ trở thành không còn tiếng nói với số cổ phần còn lại. Tính cho đường dài và tính giá trung bình sau này, chắc cái giá hôm nay không đắt cho một thương vụ thâu tóm.
Xét ở khía cạnh định giá doanh nghiệp theo thông lệ thị trường, mức P/E 45 rõ ràng là cao hơn hẳn so với trung bình P/E 22 của các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực. Nhưng đầu tư tài chính không phải là mục tiêu trong trường hợp này, mà điều đó thuộc về những toan tính ngành với những giá trị cộng hưởng tiềm năng từ thị trường bán lẻ. Đại gia Thái Lan đã tỏ rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường này chắc hẳn sự kỳ vọng giá trị lớn hơn nhiều so với chi phí từ việc mua giá cao, hay giá trị cổ phiếu của tập đoàn niêm yết tại nước ngoài đã giảm 10% chỉ trong 2 ngày sau khi thương vụ hoàn tất.
Hơn nữa, nếu nhìn xa hơn rất nhiều khả năng số cổ phần nhà nước còn lại (36%) rồi cũng sẽ rơi vào tay họ với giá rẻ hơn. Chúng ta không kỳ vọng, nhưng chúng ta cần thực tế với việc chi phối quản lý và điều hành, họ sẽ không phải làm cho Sabeco tốt lên ngay như kỳ vọng, mà thay vào đó có thể sẽ là một giai đoạn khó khăn với mục tiêu sở hữu toàn bộ. Khi đó, tính trung bình giá họ mua hôm nay với giá họ sẽ mua phần còn lại trong tương lai, có lẽ giá 320.000 đồng/cổ phần không còn đắt nữa.
Mặc dù vậy, tôi vẫn nghĩ rằng việc cổ phần hóa là một điều tốt, Nhà nước không nên kinh doanh, chỉ nên là người kiến tạo luật chơi. Chúng ta không nên đặt vấn đề là đắt hay rẻ, mà nên đặt vấn đề, đã tối ưu hóa giá trị tại thời điểm bán hay chưa. Tôi nghĩ là chưa. Chúng ta nên bán tất cả thay vì giữ lại 36% cổ phần, vì thực tế người đại diện vốn nhà nước sẽ khó lòng thực hiện nỗ lực tối đa giá trị vì một ai đó không phải họ.
Bên cạnh đó, chúng ta nên bỏ giới hạn về sở hữu, vì thực tế với việc lách luật như trường hợp này, quy định về giới hạn sở hữu nước ngoài không còn ý nghĩa. Rào cản kỹ thuật này tưởng đơn giản, nhưng thực tế sẽ loại bỏ các nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế và công nghệ tiên tiến khi tính tuân thủ của họ không cho phép họ lách luật như vậy. Đó cũng chính là bài học chúng ta cần rút ra cho những thương vụ bán vốn tiếp theo.