Qua đó cho thấy, công tác vận hành, quản lý hồ thủy điện còn nhiều bất cập.
Ồ ạt “tháo lũ” giữa lúc mưa to
Đến chiều 2-12, các vùng hạ du ven sông Ba (tỉnh Phú Yên), lũ dần rút nhưng vẫn ở mức báo động 2 đến báo động 3, nhiều vùng dân cư vẫn ngập lụt. Tại hạ du sông Kôn, sông Hà Thanh (Bình Định), lũ đang rút chậm, người dân chưa thể khắc phục các thiệt hại.
Nhiều người dân ở rốn lũ Hưng Nghĩa, Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định) bày tỏ lo ngại vì trận lũ khủng khiếp vừa qua một phần do các hồ thủy lợi, thủy điện xả nước tạo “lũ kép”. Người dân vùng hạ du sông Ba (Phú Yên) cũng vô cùng bức xúc vì các thủy điện tháo lũ về… hành dân.
Lũ lớn gây ngập lụt, chia cắt hàng chục ngàn nhà dân ở hạ du sông Kôn (tỉnh Bình Định) vào trưa 1-12. Ảnh: NGỌC OAI
Trong các ngày từ sáng 30-11 đến 2-12, các hồ thủy điện ở đầu nguồn sông Ba, như: thủy điện sông Ba Hạ, thủy điện sông Hinh và thủy điện sông Krông H’năng ồ ạt xả tràn với lưu lượng từ 2.000m3/s đến trên 7.000m3/s. Đặc biệt, trưa 30-11, thủy điện sông Ba Hạ nâng mức xả lũ từ 7.000m3/s lên 9.000m3/s.
“Xả lũ gì mà nước tràn về như thác đổ, dân trở tay không kịp, thiệt hại hết ruộng vườn, nhà cửa”, một người dân vùng hạ du sông Ba, bức xúc.
Tương tự, trong đợt lũ vừa qua, tỉnh Khánh Hòa cũng bị ngập nặng với hàng chục ngàn nhà dân, trường học, trụ sở bị nhấn chìm trong nước.
Anh Nguyễn An Phi (xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “Mấy chục năm qua, lần đầu tiên nhà tôi bị ngập dữ như vậy, nước lên quá nửa đầu gối. Còn ngoài đường ngập gần 2m. Chỉ khi nhiều hồ xả lũ mới khiến nước đổ về nhanh như vậy”.
Trước lo lắng về “bom nước thủy điện” ở thượng lưu các sông lớn của Phú Yên, ông Phạm Chí Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Phú Yên, băn khoăn về công tác dự báo thiên tai và thực trạng về năng lực vận hành, điều tiết lũ của thủy điện đầu nguồn.
Theo ông Toàn, một phần nguyên nhân là khả năng dự báo thiên tai, mưa lớn của cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước chưa thực sự chính xác, khiến địa phương rất khó khăn trong công tác ứng phó.
“Hiện, UBND tỉnh Phú Yên đã có chỉ đạo đến các hồ thủy điện cần báo cáo, giải trình về công tác vận hành xả lũ vừa rồi. Tới đây, kỳ họp HĐND tỉnh sẽ có kiến nghị, mổ xẻ về vấn đề trên”, ông Toàn cho biết.
Phải nâng cấp hồ, tạo dung tích phòng lũ
Đề cập đến vấn đề thủy điện góp phần gây “lũ kép”, ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ, cho rằng, hồ thủy điện sông Ba Hạ chỉ có dung tích chứa nước không lớn, là hồ bậc thang thấp nhất ở khu vực thượng nguồn sông Ba Hạ.
Trong ngày 30-11, mưa lớn bất thường đã khiến cho áp lực nước về hồ quá lớn, kèm theo các hồ thủy điện phía trên (thủy điện Đăk Srông và Krông H’năng) cùng xả lũ khiến áp lực lũ rất lớn về hạ du sông Ba. “Do hồ quá nhỏ, trong khi các hồ phía trên xả xuống kèm theo mưa lớn bất thường nên buộc chúng tôi phải xả lũ, nếu không vỡ hồ thì cực kỳ nguy hiểm cho vùng hạ du”, ông Lý giải thích.
Còn tại Bình Định, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng, lũ về hạ du sông Hà Thanh, sông Kôn gây ngập lụt hàng chục ngàn hộ dân là do áp lực tâm mưa thượng nguồn quá lớn, chứ thủy điện thì xả trong hạn mức cho phép.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Quang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cũng cho rằng, các hồ chứa nước xả ở mức độ không quá lớn. Chẳng hạn, hồ Am Chúa hay Suối Dầu thông báo ở mức 100m3/s, nhưng thực tế xả ở mức trung bình 70m3/s. Vì thế, không thể khẳng định việc ngập lụt là do xả lũ mà đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân.
Nhiều ý kiến giới chuyên môn thủy lợi cho rằng, thực tế các chủ đầu tư thủy điện thường có tâm lý muốn tích lượng nước nhiều nhất có thể để đến mùa khô còn nước để phát điện. Đến khi mưa quá lớn, nằm ngoài dự báo thì đồng loạt xả để giữ an toàn cho hồ.
Ông Hồ Đắc Chương nêu quan điểm: “Để giải quyết căn cơ bài toán các hồ thủy điện, thủy lợi gây lũ kép, cần phải ràng buộc hồ thủy điện đồng bộ vào vận hành liên hồ chứa giữa các tỉnh với nhau khi xảy ra mưa lớn kéo dài. Ngoài ra, các cơ quan trung ương cần tạo điều kiện, ràng buộc hồ thủy điện và cả thủy lợi phải đầu tư nâng cấp hồ, tạo dung tích phòng lũ”.