Thụy Sĩ châm ngòi chiến tranh tiền tệ

Thụy Sĩ, nước chưa từng gây hấn với thế lực nước ngoài nào kể từ thời chiến tranh Napoleon, nhưng nay đang trở thành thế lực châm ngòi cho một cuộc chiến thời hiện đại: chiến tranh tiền tệ.

Thụy Sĩ, nước chưa từng gây hấn với thế lực nước ngoài nào kể từ thời chiến tranh Napoleon, nhưng nay đang trở thành thế lực châm ngòi cho một cuộc chiến thời hiện đại: chiến tranh tiền tệ.

“Mồi lửa” SNB

Ngày 3-8, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) chính thức châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ mới bằng việc hạ lãi suất franc Thụy Sĩ sau khi đồng tiền này tăng 36% so với USD và 41% so với EUR trong 12 tháng.

Một tuần sau, ngày 10-8, SNB một lần nữa can thiệp tiền tệ khi bơm ra hàng tỷ franc thanh khoản vào nền kinh tế. Không dừng lại đó, ngày 6-9, SNB dấn thêm một bước trong việc căng thẳng hóa sức ép bùng nổ chiến tranh tiền tệ khi lần đầu tiên sau hơn 30 năm quyết định áp tỷ giá trần đối với franc.

Động thái này ngay lập tức giúp franc giảm giá 8,1% so với EUR, mức giảm lớn nhất kể từ khi EUR được lưu hành.

G20 - nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang chịu sức ép bùng nổ cuộc chiến tiền tệ (Nguồn: toonpool.com).

G20 - nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới -
đang chịu sức ép bùng nổ cuộc chiến tiền tệ (Nguồn: toonpool.com).

Không khó để tìm ra nguyên nhân đằng sau những động thái “gây hấn” của một đất nước vốn yêu chuộng hòa bình như Thụy Sĩ. Hơn 1/3 (35%) nền kinh tế trị giá 700 tỷ USD của đất nước này đến từ xuất khẩu. Từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát vào mùa thu năm 2008, ngành xuất khẩu Thụy Sĩ chịu thiệt hại nặng nề vì franc không ngừng tăng giá do giới đầu tư toàn cầu xem đồng tiền này như một “vịnh tránh bão”.

Chỉ riêng trong năm 2011, franc đã tăng hơn 16% so với rổ gồm 9 ngoại tệ chính. Trước tình hình đó, SNB tuyên bố franc mạnh là một mối đe dọa nguy cấp cho nền kinh tế, vì thế ngoài việc áp mức trần tỷ giá, SNB còn cho biết sẽ mua ngoại tệ “không giới hạn số lượng”.

Cùng với franc Thụy Sĩ, yen Nhật Bản cũng được đông đảo nhà đầu tư ưa thích. Thực tế này gia tăng sức ép lên chính quyền Tokyo, đặc biệt sau thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân hồi tháng 3.

Vì vậy, chỉ 1 ngày sau khi SNB châm mồi lửa đầu tiên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuyên bố can thiệp tiền tệ bằng việc bán ra 4.600 tỷ yen (60 tỷ USD).

Sắp bùng nổ?

Những động thái từ SNB và BOJ ngay lập tức gia tăng sức ép lên các đồng tiền của Na Uy và Thụy Điển, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư chọn 2 đồng tiền này để làm kênh tránh bão thay thế yen và franc. Krone Na Uy vốn đã tăng giá 4,5% so với rổ 9 ngoại tệ chính trong năm nay. Ngay ngày SNB tuyên bố áp trần tỷ giá, krone tăng đạt mức mạnh nhất so với EUR kể từ tháng 2-2003, trong khi krona của Thụy Điển cũng tăng mạnh.

Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Na Uy cho biết sẽ hành động để chống lại việc điều chỉnh tỷ giá tiền tệ làm tổn hại đến ngành xuất khẩu nước nhà. Phản ứng tương tự từ Thụy Điển cũng được dự báo. Những nước khác nhiều khả năng sẽ theo chân.

Nhật Bản đem vấn đề yen bị tăng giá quá nhanh và những hệ lụy của nó ra trước cuộc họp các nước G7 cuối tuần rồi ở Pháp. Nếu Nhật Bản cũng hành xử như Thụy Sĩ, tức có thể in thêm tiền để can thiệp, tác động của nó sẽ lớn hơn nhiều, vì Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, trong khi Thụy Sĩ chỉ đứng thứ 19.

Brazil là một trong những nước đang theo dõi sát sao những động thái can thiệp tiền tệ của các nước lớn, sẽ sẵn sàng “viện cớ” để làm theo, trong bối cảnh nội tệ của họ đã tăng giá 40% kể từ năm 2008.

Giữa tháng 8, Brazil từng áp thuế 1% lên các tài sản phái sinh tiền tệ. Trung Quốc, nước làm bùng phát lo ngại chiến tranh tiền tệ hồi năm ngoái, cho đến nay vẫn để nhân dân tệ tăng giá với USD vì sợ lạm phát.

Nhưng giới quan sát lo ngại nếu Washington triển khai đợt nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3), Bắc Kinh sẽ không ngồi yên.

Các tin khác